Tuesday, January 05, 2010

Internet startup: Dotcom và tiệm sửa xe

Tôi có cảm hứng viết bài này nhân dịp… phải ngồi ở tiệm sửa xe hơn 30p. Hình như ở VN chuyện phải vào tiệm sửa xe là chuyện không thể không xảy ra với tần suất một hai tháng thì phải?

Nếu xe quá tốt không bị trục trặc thì lâu lâu cũng bị cán đinh, nếu xe không cán đinh thì 3 tháng cũng phải thay nhớt một lần. Nếu không có xe gắn máy mà có xe hơi thì cũng phải vào trạm sửa xe hơi, dù xe gì và nế quá hoàn hảo cộng với may mắn không gặp vấn đề nào ở trên thì vẫn phải đem đi … rửa vì đường xá quá bụi bặm.



Nhìn một vòng các đường phố ở SG, trừ những vùng quá trung tâm như ở Q.1 thì ở đâu cũng có tiệm sửa xe. Các quận gần trung tâm như Q.3 thì dành cho xe hơi nhiều hơn, các quận khác thì đâu cũng có tiệm sửa xe gắn máy. Các tiệm sửa xe mọc lên như nấm, và dường như ít khi nào phải đóng cửa. Có những tiệm phất lên rất nhanh, và nhiều tiệm tuy không phát triển mạnh vẫn sống vô tư qua ngày, tỉ lệ tồn tại phải đến hơn 90%. Ngược lại có rất nhiều dotcom cũng mọc lên như nấm, và rồi từ từ biến mất sau mưa, với tỉ lệ biến mất giống như tỉ lệ tồn tại của tiệm sửa xe. Có vẻ nghịch lý hay không? Khi mà Internet đang là một trào lưu của xã hội, và vấn đề xe cộ ít khi nào được thảo luận ở các nơi đông người tham gia.

Cuối hẻm nhà tôi có một anh chàng chủ một tiệm sửa xe gắn máy. Đầu tiên anh ta thuê một mặt bằng nhỏ khoảng 4x8 ở mặt tiền đường để “khởi nghiệp” cách đây 2, 3 năm. Từ từ tiệm có nhiều khách, anh ta thuê thêm 5,6 người thợ, mở rộng kinh doanh bằng cách bán phụ tùng và linh kiện. Rồi tiệm ngày càng được nhiều người biết đến và có khách quen, khách lạ. Vì thế anh ta lại tiếp tục phát triển với việc thêm người, thuê lại một nhà xưởng ngay bên cạnh diện tích khoảng 5x18 để làm khu rửa xe và trưng bày xe gắn máy.

Cũng với quy trình như trên, hầu hết các dotcom cũng bắt đầu từ một quy mô nhỏ, sau đó có thêm nhiều người truy cập, họ lại tiếp tục thêm người, phát triển sản phẩm, mở rộng dịch vụ. Chỉ khác một điều, khi tiệm sửa xe thêm người, thêm dịch vụ thì công việc kinh doanh của họ ngày càng bền vững hơn. Còn với rất nhiều dotcom, việc thêm người và mở rộng quy mô sản phẩm dịch vụ cũng chưa thể nói trước được điều gì, ngay cả với những tập đoàn lớn đã thành danh. Như vậy đâu là mâu thuẫn trong hiện tượng trên? Thử phân tích vấn đề dưới một vài góc độ offlline.

1. Thiết thực – không thể thiếu


Có lẽ hơn 80% dân số VN có sử dụng xe đạp, xe gắn máy, hoặc xe hơi. Và như tôi đã nói ở trên, ít ra 2-3 tháng mỗi người bắt buộc phải vào tiệm sửa xe một lần hoặc tần suất cao hơn nếu phải bơm xe. Trong khi đó có rất nhiều website Việt mà chẳng ai phải cần vào, và chẳng có lý do gì để “bắt buộc vào”.

Có thể bạn sẽ nói, lập luận của tôi là không logic lắm, vì không vào website này thì sẽ vào website khác. Đồng ý. Nhưng thực tế là có khá nhiều website ra đời không thể kiếm được dù chỉ 5,10 khách hàng đến hàng ngày một cách có chủ ý, và họ cảm thấy website đó là thực sự cần thiết đối với họ, ít có sự thay thế khác.

Trong khi đó một tiệm sửa xe bất kỳ sẽ dễ dàng có 5,10 khách đến hàng ngày vì lý do quan trọng nhất là “vị trí”. Bị bể bánh xe, bơm xe, rửa xe… ai cũng có xu hướng đến tiệm sửa xe gần nhất, nếu tiệm đó không quá tệ. Như vậy có thể nói một tiệm sửa xe trung bình có thể sống qua ngày nhờ vào lượng khách trong vòng bán kính từ 100-300m quanh đó.

Tóm lại : nếu dotcom nào đó giải quyết được một vấn đề người dùng thực sự cần thì xác suất để phát triển và duy trì khách hàng sẽ cao hơn.

2. Chi phí / khách hàng

Như ở trên, với cùng một xu hướng phát triển, khi tiệm sửa xe có thêm khách hàng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thêm lợi nhuận hoặc ít nhất cũng giảm trừ chi phí (do họ luôn bán linh kiện cao hơn giá vốn, phí sửa xe bù cho phí trả lương nhân viên/mặt bằng). Trong khi đó việc có thêm khách hàng ở hầu hết các công ty dotcom lại luôn đồng nghĩa với việc tăng chi phí tiếp thị, nhân sự, máy chủ …do chỉ có chi phí mà không có thu nhập, hoặc thu nhập rất ít so với chi phí. Dĩ nhiên là trừ một số ít các công ty game online đã có hệ thống kinh doanh rõ ràng và đang gặt hái lợi nhuận.

Một số mạng xã hội tầm vóc khá lớn nay đã gần như mất dạng trên sàn đấu Internet là một ví dụ. Họ đổ ra nhiều tỉ đồng, thu hút hàng trăm ngàn user, sau đó không thể tiếp tục duy trì tốc độ đốt tiền để níu kéo khách hàng cũ hoặc thu hút khách hàng mới. Sẽ có vài nhiều nguyên nhân dẫn đến “cái chết của một dotcom”, nhưng một trong những lý do quan trọng và đến nhanh nhất là “hết tiền”. Với những dotcom có vốn đầu tư ban đầu càng lớn, càng thu hút được nhiều khách hàng thì lý do này càng trở nên quan trọng hơn. Nghịch lý quá nhỉ, càng có nhiều tiền thì lại càng sớm hết tiền. Dĩ nhiên điều này cũng có ngoại lệ, trừ một số dotcom do công ty mẹ có “quá nhiều tiền” thì không thể tính vào trường hợp trên.

Tóm lại : sự khác biệt giữa việc “mạo hiểm” ở các công ty online và sự phát triển bền vững của những tiệm sửa xe có lẽ là do sự chênh lệch giữa thu và chi.

Các dotcom có xu hướng kỳ vọng vào thu nhập sẽ đến từ lượng lớn khách hàng họ có trong tương lai nên thường chi với tốc độ nhanh hơn tốc độ thu rất nhiều. Trong khi với tiệm sửa xe sự phát triển này cân đối hơn, họ chỉ mở rộng kinh doanh khi thu nhập từ khách hàng cao hơn chi phí, hoặc không quá chênh lệch so với chi phí.

3. Thanh toán

Thật ra có nhiều website rất hữu ích, bản thân tôi cũng muốn sử dụng và nếu cần thì sẵn sàng thanh toán để tận hưởng tiện ích từ những website đó đem lại. Tuy nhiên tôi, hoặc những người bạn bè tôi thường gặp hai vấn đề chính: sự bất tiện hoặc thiếu tin cậy.

Bất tiện là khi thanh toán phải qua nhiều bước đăng kí rắc rối, mất thời gian, hoặc khó hiểu… Tôi biết có nhiều người không sẵn sàng thanh toán bằng cách nhắn tin, vì nó không thân thiện với họ. Nói chung cả hai vấn đề này gộp lại là yếu tố không phù hợp văn hóa tiêu dùng của người VN.

Thiếu tin cậy là khi người dùng không dám nhập mã số thẻ tín dụng của họ vào khi sử dụng dịch vụ. Điều này xảy ra ngay cả những website lớn và đã hoạt động khá lâu ở VN. Bản thân tôi cũng vậy, tôi chí dám dùng thẻ tín dụng ở những site uy tín của thế giới. Ở VN chắc tôi mới chỉ dùng thẻ ở mỗi Vietnam Airlines hay Jetstar.

Ngay bản thân chúng tôi đã từng thực hiện một chương trình khuyến mãi nho nhỏ giảm giá phòng khách sạn trên Skydoor.net để test “mô hình kinh doanh”. Để giải quyết vấn đề thanh toán từ phía user, Skydoor phát phiếu khuyến mãi mà không thu tiền từ người dùng. Người dùng sẽ thanh toán trực tiếp với khách sạn. Khách sạn sau đó sẽ chuyển khoản tiền cho Skydoor. Hầu như không gặp vấn đề gì từ phía người dùng (vì đã “né” hẳn việc thanh toán), nhưng gặp khá nhiều rắc rối trong việc thu tiền từ khách sạn. Có khách hàng, có tiện ích nhưng muốn thu tiền cũng không dễ dàng gì.

Trong khi đó với tiệm sửa xe bạn không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc thanh toán. Tiền mặt dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Có vẻ những công ty thành công ít nhất đã giải quyết được vấn đề thanh toán, bằng thẻ cào với B2C như hoặc thanh toán offline trực tiếp với B2B.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=233451769226
-------

Bài kỳ trước: 7 dự đoán về Internet Việt Nam 2010

Bài kỳ tới - Thứ 5: Internet startup: Dotcom học tiệm sửa xe

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com