Tuesday, January 26, 2010

Startup Vietnam: Học Mỹ hay học Trung Quốc ?

Tại sao phải học mà không tự “sáng tạo” tự nghiên cứu và chế ra những mô hình khởi nghiệp riêng ở VN? Đây là điều nếu không nói ra thì … ai cũng biết là vì Internet là một ngành mới, ở Việt Nam chưa có nhiều startup thành công để tham khảo. Vì thế ta phải học hỏi và “kế thừa” từ những nước có nhiều dotcom thành công như Mỹ với Google, Ebay, Amazon… và TQ với Baidu, Tencent, Alibaba, …

Khái niệm “học” ở trên được các quỹ đầu tư gọi là “proven model”. Các công ty Internet startup đi theo “proven model” còn có những lợi thế như được thừa kế mô hình công nghệ/kinh doanh, sao chép các tính năng sản phẩm, tham khảo các milestone và cách thức thực hiện kinh doanh tiếp thị của công ty “original model”.



Sao chép Mỹ

Mỹ là cái nôi của các dotcom, của Internet startup. Cái hay đã thấy rồi vậy đâu là điều dở? Từ khi quyết định đặt cược sự nghiệp của mình vào lĩnh vực Internet năm 2000 khi làm luận văn tốt nghiệp về cổng thông tin trên Internet, tôi tham khảo sách báo, Internet, mô hình team, sản phẩm… cũng chỉ từ các công ty Mỹ. Dù đã lường trước ở VN khác Mỹ rất nhiều, nhưng chỉ từ khi thành lập Skydoor và gặp rất nhiều khó khăn lớn ở những giai đoạn khác nhau, tôi mới thực sự nhận ra, là những gì “kiểu Mỹ” chỉ đúng “tại Mỹ” mà thôi.

Giờ đây, sau hàng loạt thất bại của các copycat dotcom, ai cũng có thể thấy sự khác biệt quá lớn giữa Mỹ và VN trong các vấn đề cốt yếu như: hạ tầng Internet, công cụ và thói quen thanh toán, trình độ hiểu biết Internet của người dân, mức độ online hóa và số lượng các công ty trong những ngành công nghiệp hỗ trợ như quỹ đầu tư, bán lẻ, tiếp thị…

Nếu phải lấy ra từ hàng loạt khác biệt ở trên điều quan trọng nhất, tôi sẽ gọi đó là “văn hóa”. Từ văn hóa sẽ hiểu được trình độ Internet của người dân và rất nhiều vấn đề khác như thanh toán, luật pháp, team, đầu tư… Như vậy làm sao để giảm được “khác biệt văn hóa” từ model Mỹ này? Đơn giản là hãy chọn một nước khác có nhiều “proven model” và văn hóa tương tự như văn hóa VN. Đó là TQ.


Mô phỏng Trung Quốc

TQ có một số điểm giống Vn là văn hóa tương tự, thói quen tương tự, cơ sở hạ tầng đi trước nhưng không cách VN quá xa như Mỹ. Một ví dụ cho thấy TQ là nơi có “proven model” đáng tham khảo là trong top 30 công ty Internet hàng đầu của TQ có rất nhiều công ty game online, đồng thời ở VN cũng có tình trạng tương tự.
Tuy nhiên mô hình TQ cũng có một số bẫy mà nếu ta không lưu ý thì sẽ có suy đoán không chính xác về những điều kiện thuận lợi mà TQ có, VN không có.

Bẫy độ lớn thị trường

Có một số sản phẩm ở TQ có thị trường, tuy nhiên nếu ở VN nhiều khi thị trường lại quá bé. So về GDP, TQ gấp 47.7 lần VN. Nếu tính cả độ cộng hưởng do quy mô lớn, thị trường TQ đã phát triển hơn thì với mỗi thị trường con độ lớn ở TQ phải gấp VN từ 50 – 100 lần. Do đó một thị trường có độ lớn chừng 500 triệu USD ở TQ thì ở VN chỉ tầm 5-10 triệu USD ở VN.

Thành công của Alibaba, một site B2B một phần nhờ vào quy mô của thị trường này, trong khi các site B2B ở VN lại gặp khó khăn với vấn đề này.

Bẫy rào cản ngôn ngữ & văn hóa đóng

Điều này thì Internet VN có vẻ khác hẳn với Internet TQ. Do tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Latin, nên các ký tự cùng hệ với tiếng Anh, từ đó người Việt đọc, học tiếng Anh dễ hơn người TQ với ngôn ngữ Hán tự. Đồng thời người Việt vẫn có tiếng là cởi mở, dễ hòa đồng với người nước ngoài hơn người TQ, vốn có tiếng là “đóng” với các nhóm dân tộc khác.

Chính vì thế mà mức độ sẵn sàng dùng thử các sản phẩm của quốc tế của người Việt có lẽ cao hơn hẳn so với người TQ. Đó là chưa nói đến độ khó trong việc xử lý tiếng Việt không phức tạp bằng xử lý tiếng Hoa.

Thành công của Baidu trước Google cũng không thể bỏ qua yếu tố ngôn ngữ và văn hóa đặc thù tại thị trường TQ.

Bẫy luật & chính sách nhà nước

Có những điều Baidu làm được mà Google không dám làm tại TQ như cung cấp các dịch vụ liên quan đến âm nhạc mp3, trong khi tìm kiếm nhạc chiếm một tỉ trọng không nhỏ trong traffic của Baidu. Những mạng xã hội như Tencent Qzone, 51.com… đương nhiên được hưởng lợi từ việc cấm cửa Facebook. Tudou, Youku các site video sharing phát triển mạnh mẽ vì không phải đánh nhau với Youtube. Còn ở VN, clip.vn thế nào sau khi Youtube xuất hiện?

Ngay cả vấn đề thanh toán trực tuyến, tôi chưa tìm hiểu, nhưng có lần tôi nghe một anh founder của Eachnet – một site đấu giá của TQ đã bán cho Ebay khoảng hơn 200M USD, hiện đang ở VN, nói rằng ban đầu chính phủ TQ bắt buộc mọi người phải dùng công cụ thanh toán của China Mobile (không nhớ rõ tên). Sau đó thì mọi người quen dần với việc thanh toán trực tuyến. Trong khi ở VN thì có 7,8 công cụ thanh toán trực tuyến, mỗi site lại dùng một công cụ khác nhau, cuối cùng chả ai biết nên dùng công cụ nào.

Vậy tại sao không dùng chính proven model ở tại VN? Ở VN lượng mẫu quá ít, nhìn qua lại chỉ thấy vài công ty sáng giá. Tuy nhiên có những khâu giống nhau ở các công ty Internet trong các lĩnh vực khác nhau mà ai cũng có thể tham khảo ở số ít các công ty đã thành công như: team, cách thức phát triển sản phẩm, phương thức thanh toán, ... Và đây mới là điều thực sự đáng giá hơn là việc học Mỹ hay học TQ.

Tôi thích một khái niệm tôi cải tiến từ thuyết tiến hóa của Darwin: “những công ty đã thành công chứng tỏ họ thích nghi được với thị trường”. Hay như triết gia Hegel có nói “Điều gì tồn tại thì hợp lý, điều gì hợp lý sẽ tồn tại”.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=269844584226

Link tham khảo







  • Top 30 công ty internet TQ








  • Top chinese sites








  • Top web apps in China

    Bài kỳ trước:  Startup Vietnam: Những ngôi sao dotcom mới 
  • trên Facebook  Internet startup: Những ngôi sao dotcom mới
    Bài kỳ sau: ???
  • 0 Comments:

    sleepingfool@gmail.com