Tuesday, February 02, 2010

Startup Vietnam: 8 đặc điểm của một sản phẩm “hoàn hảo” – phần 2

Phần 1

"keep speed in mind"

5. Tương tác cao

Một trong những đặc trưng không thể bỏ qua của Internet là tương tác. Nhất là trong thời buổi ai cũng bận rộn thiếu thời gian để tương tác offline thì mọi người càng dành nhiều thời gian cho tương tác online. Đồng thời một website càng có tính tương tác cao thì càng sống động và không cần phải tốn nhiều chi phí cho việc tiếp thị, tự người dùng sẽ trao đổi, giới thiệu lẫn nhau về website đó. Tính tương tác có thể xét trên các phương diện tương tác giữa người dùng với nhau, giữa người dùng với sản phẩm, và cao cấp hơn nữa là giữa developer với sản phẩm.

Một trong những thể loại sản phẩm có tính tương tác cao giữa người dùng với nhau là mạng xã hội mà cụ thể là Facebook. Trước đây ở VN Yahoo 360 đã từng “vang bóng một thời” khi đâu đâu cũng bàn tán về blog này, blog nọ. Thậm chí những hot blogger còn nhanh chóng trở thành “ngôi sao” nổi tiếng không kém gì các ca sĩ, diễn viên thời thượng. Đóng góp lớn vào thành công của Y360 là friendlist và comment/quick comment. Blogspot, Wordpress, Multiply… là những bloging platform rất tốt nhưng là mô hình conten-centric không chú trọng vào relationship – tính tương tác giữa các blogger nên không phổ biến ở VN như các mạng có đặc điểm này.

Tuy nhiên không nhất thiết cứ phải là mạng xã hội thì sản phẩm mới có tính tương tác cao. Tương tác cao giữa người dùng và sản phẩm có thể kể đến Digg.com hay linkhay.com. Một dạng tương tác giữa người dùng tạo ra nội dung của sản phẩm nữa là các thể loại wiki mà Wikipedia là người tiên phong. Google mới tung ra một sản phẩm theo kiểu này là Google Sidewiki (Chrome extension) cho phép comment vào bất cứ trang web nào. Ở VN sản phẩm theo trường phái này Baamboo Tra từ. Một dạng khác nữa cũng thuộc mục này là tương tác giữa sản phẩm và nội dung của người dùng, đó là Adsense.

Tính tương tác cao giữa sản phẩm với với developer, đại ý là developer có thể tham gia sử dụng lại sản phẩm cha (kết nối qua API) hay đóng góp tạo ra những sản phẩm con (apps) kí sinh trên sản phẩm cha, hay thậm chí viết lại mã nguồn. Đại diện của trường phái này tiêu biểu là Facebook, Google, hay OS là Linux, browser là Firefox, ở mobile là Android. Linux là sản phẩm gặt hái thành công đầu tiên. Facebook mở rộng khái niệm “open source” của Linux thành “open platform”. Google, Yahoo học Facebook tạo ra OpenSocial, BOSS nhưng hiệu quả chưa thấy rõ. Các dòng sản phẩm của Google càng về sau càng đi theo xu hướng platform như Web OS, Chrome, Android. Tuy nhiên phát triển sản phẩm theo hướng này không dễ, phải có cả điều kiện cần và đủ là hàm lượng chất xám về công nghệ rất cao và cộng đồng developer có thói quen phát triển phần mềm tự do. VN có Zing Me đi tiên phong trong thể loại này.

Người dùng hay developer, ai cũng muốn tham gia góp tiếng nói vào sản phẩm, vậy đừng quên sự có mặt của họ.


6. Nội dung là của người khác và có tính tự động hóa cao

Mục này có đôi chút trùng lặp với mục 5 – tương tác cao. Vì thông thường sản phẩm tương tác cao sẽ có xu hướng tạo ra nội dung. Khi người dùng tương tác cao với nhau hoặc với sản phẩm họ tạo ra user-created-content. Khi developer tương tác cao với sản phẩm, họ góp phần tạo ra sản phẩm giúp sản phẩm ngày càng được mở rộng với tốc độ và chất lượng mà không tự thân công ty hay team tạo ra sản phẩm nào có thể nào tự mình phát triển được. Những sản phẩm tiêu biểu là Wikipedia, Digg, Facebook, Napster.

Ở khía cạnh nội dung, trên thế giới có hai site nổi tiếng có cách thức ngược nhau là Amazon và Ebay. Nội dung của Ebay là hàng hóa mua bán qua lại của người dùng nên họ không phải lo phần này. Nội dung của Amazon là hàng hóa có thật sách vở, băng đĩa…, nên ban đầu họ phải tự mua, hoặc hợp tác để mua hàng từ đối tác khác nên phải huy động một lượng vốn rất lớn từ ban đầu. Hầu hết các công ty không thể làm như Amazon. VN có Vinabook theo mô hình Amazon. Một dòng sản phẩm nữa phát huy tiêu chí nội dung của người khác là peer to peer (Kazaa, eDonkey) – không hiểu tại sao ở VN không thấy ai làm sản phẩm loại này?

Ở khía cạnh tự động hóa có thể nhắc đến VnExpress. Ban đầu nội dung của VnExpress là copy từ các báo khác. Sau này tính thu hút của nội dung VnExpress là do chính đội ngũ phóng viên của họ tạo ra. Như vậy VnExpress sẽ không được điểm cao trong tiêu chí này do họ phải tự tạo ra nội dung. Với startup và những công ty nhỏ sẽ không thể nào học theo cách của VnExpress, vốn có FPT to đùng hỗ trợ đằng sau từ ban đầu. Một sản phẩm tin tức khác tận dụng ưu thế tiêu chí này là baomoi.com vốn không cần một đội ngũ hùng hậu như VnExpress vẫn có thể tạo ra một lượng nội dung khổng lồ không kém. Điểm yếu của sản phẩm tự động hóa cao là thiếu tính sống động thu hút của sản phẩm có sự can thiệp cao của con người.

Ngoài ra một yếu tố quan trọng của nội dung là đừng chiếm quá nhiều tài nguyên đường truyền và server như video, mp3, ảnh… Chỉ khi bạn có sự hỗ trợ của các đại gia túi rủng rỉnh tiền thì yếu tố này mới bớt quan trọng.

Một cái chết nổi tiếng từ dòng sản phẩm đi ngược tiêu chí 6 này hoàn toàn là từ điển lừng danh một thời Encarta Encylopedia của Microsoft.


7. Tốc độ

Có 3 loại tốc độ quan trọng là tốc độ tải trang/xử lý yêu cầu, kế đến là tốc độ cập nhật nội dung, và cuối cùng là tốc độ phản hồi người dùng.

Tốc độ tải trang và tốc độ xử lý yêu cầu thường phụ thuộc vào chất lượng công nghệ hoặc thiết kế giao diện của sản phẩm. Sản phẩm càng có nhiều người dùng thì càng phải lưu ý yếu tố này. Google đặc biệt quan tâm đến yếu tố này hơn hẳn các đại gia khác như Microsoft, Yahoo, Facebook. Tốc độ loại này đã khiến Clip.vn rơi vào thế yếu so với Youtube sau khi Youtube có server đặt tại VN. Đôi khi tốc độ xử lý yêu cầu thậm chí phụ thuộc các yếu tố bên ngoài sản phẩm/team như logistic, thuế quan địa phương, thời tiết… như trong trường hợp Amazon. Ở VN khi đặt hàng qua eBay Vietnam hình như mất khoảng 2 tuần.

Tốc độ cập nhật nội dung có khi phụ thuộc vào công nghệ sản phẩm (các loại search engine), hoặc phụ thuộc vào hành vi/tần suất sử dụng của người dùng. Với một thế giới ngày càng đòi hỏi kết quả phải nhanh hơn, thật hơn thì tốc độ của nội dung cực kỳ quan trọng. Ngay cả Google và Bing cũng không thể cung cấp kết quả search “realtime” mà phải cậy nhờ vào nội dung thời gian thực của Facebook và Twitter. Một yếu tố góp phần tạo ra sự thu hút của Tuổi Trẻ Online so với các báo điện tử khác là do tốc độ cập nhật tin của site này rất nhanh.

Cuối cùng một yếu tố tốc độ không thực sự nằm trong sản phẩm nhưng rất quan trọng là tốc độ phản hồi người dùng hay tốc độ duyệt nội dung của đội ngũ admin/mod. Có lần bạn tôi email nhờ Facebook hỗ trợ giải quyết một vấn đề liên quan fanpage, thật không ngờ chỉ trong vòng chưa đến 24h sau họ đã xử lý và trả lời nhanh chóng khiến bạn tôi rất ngạc nhiên và cảm kích. Điều này không hề đơn giản với một site có hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Hãy xem Google nói gì? "We keep speed in mind with each new product we release."


8. Cá nhân hóa

Cá nhân hóa là mức độ đáp ứng của sản phẩm đối với các yếu tố thuộc về thói quen sở thích và các thông tin cá nhân của từng người dùng cụ thể, thay vì phản ứng “trước sau như một” với hàng ngàn người dùng khác nhau. Đây là một hành vi mô phỏng lại thế giới thực trong quan hệ giữa người với người. Nếu hai người có mối quan hệ càng gần gũi và thân thiết thì càng hiểu rõ thói quen sở thích và thông tin cá nhân của nhau nhiều hơn.

Đây là một yếu tố hiện tại chưa quá quan trọng ở VN, nhưng càng ngày yếu tố này càng trở nên quan trọng hơn. Với ứng dụng mobile thì đây là một tiêu chí có tầm quan trọng hơn so với mức độ quan trọng của nó trên sản phẩm web, bởi vì một điện thoại di động chỉ dùng bởi một người, trong khi một máy tính có thể được dùng bởi nhiều người khác nhau. Các mối quan hệ 1-1 thường đòi hỏi tính cá nhân nhiều hơn các mối quan hệ 1-n.

Facebook đang rất quan tâm tới yếu tố này khi họ mới thay đổi các tính năng và privacy policy. Yếu tố cá nhân hóa cũng là một đặc tính rất quan trọng để họ thiết kế hệ thống quảng cáo hướng người dùng và thu hút các khách hàng quảng cáo. Mức độ cá nhân hóa cao cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Adsense và Adwords. Tuy nhiên không phải sản phẩm mang tính cá nhân hóa nào cũng thu hút sự chú ý. iGoogle cũng không được ưa chuộng lắm thì phải?

Hiện tại hầu hết các sản phẩm web 2.0 ở VN chưa có tính cá nhân hóa, hoặc nếu có thì chưa có nhiều tính năng cá nhân hóa được ưa chuộng. Có vẻ chỉ các site âm nhạc có nhiều yếu tố này? Khi mức độ quan tâm đến cá nhân hóa của người dùng càng cao thì các site có khả năng tự động hóa cao như baomoi.com càng phát triển, và các site dạng forum càng gặp khó khăn hơn do tiêu chí 3 - tổ chức dữ liệu không tốt.

Thời hoàng kim Yahoo! 360 có vài tính năng cá nhân hóa rất được ưa chuộng ở VN là avatar, status, background theme.


***

Vì một sản phẩm “hoàn hảo” thường không có thật, nên một sản phẩm đạt 6 tiêu chí là siêu lắm rồi. Nếu đặt Google vào thì cũng chỉ đạt 7 điểm, tiêu chí thứ 5 “Tương tác cao” Google không “đạt chuẩn”. Facebook chắc được 7.5 điểm, trừ 0.5đ do khó sử dụng.

Trong 8 tiêu chí trên thì các tiêu chí 1 – lĩnh vực, 2 – nhu cầu là quan trọng nhất, nếu sai là “lên đường” luôn. 3 – tổ chức dữ liệu, 5 – tương tác, 6 – nội dung là rất quan trọng phải lưu ý từ đầu. Còn các yếu tố 4 – giao diện, 7 – tốc độ, 8 – cá nhân hóa nếu kém sau đó vẫn có thể điều chỉnh lại được.

Tuy nhiên một sản phẩm tốt chưa đủ để tạo nên thành công, ta phải xây dựng một hệ thống tốt xoay quanh sản phẩm để thành công. Vì thế bài kỳ tới sẽ là “Internet startup: 7 dấu hiệu của một hệ thống lý tưởng”.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=279865104226

Bài kỳ trước: “Internet startup: 8 đặc điểm của một sản phẩm hoàn hảo – phần 1

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com