Thursday, December 24, 2009

2009 - Chặng đường đã qua!





 Thursday, December 24, 2009 at 4:30pm

Cách đây khoảng 6 tháng, tôi đã dự định viết một một số bài về thị trường Internet VN, tuy nhiên do không có thời gian nên đành hoãn lại. Bây giờ một số công việc đã hoàn tất nên mọi thứ cũng thư thả hơn nên tôi có thể bắt đầu lại dự định cũ mà vẫn mới (với tôi) .

Mục đích viết của tôi đơn giản là nhìn lại những gì đã qua để rút kinh nghiệm, tôi xem những bài viết như là một công cụ R&D của bản thân cần được lưu trữ lại một cách hệ thống. Đồng thời chúng cũng là nơi đón nhận, học hỏi những ý kiến và góc nhìn khác nhau của những đồng nghiệp, các nhà quản lý trong lĩnh vực Internet, nơi để chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có mong muốn startup nhưng chưa bắt đầu. Mục tiêu tôi sẽ viết được mỗi tuần ít nhất một bài, và duy trì tần suất này trong vòng 3 tháng đầu năm 2010.




Có thể định nghĩa Internet startup là mong muốn xây dựng một “đế chế” chỉ với vài con người, một… mớ bàn tay trắng và một niềm tin mạnh mẽ, đồng thời bắt đầu với một ý tưởng. Càng làm tôi càng thấy ý tưởng thật sự… không hề quan trọng. Theo chủ quan của tôi, ý tưởng chỉ chiếm chừng 5-10% của thành công, dĩ nhiên ngữ cảnh đang nói ở khu vực VN, không xét ở Mỹ. Quan trọng là việc thực hiện ý tưởng đó đến cùng. Trong đó niềm tin mới là điều mấu chốt, niềm tin có thể lúc trồi lúc sụt nhưng quan trọng là phải giữ vững niềm tin. Nhưng niềm tin do con người quyết định, nên cuối cùng con người mới là quan trọng nhất.

Đi tìm thiên thời…

Có con người và niềm tin, nhưng nếu bạn hành động mù quáng theo niềm tin mà không cân nhắc trước sau thì mọi người sẽ nói là “không biết theo thời thế”. Quả đúng vậy, tôi càng thấm thía câu của ông bà ta dạy “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Có nhân hòa mà chưa có thiên thời, địa lợi thì cực kì khó khăn để thành công. Sau này tôi còn thấm hơn một câu khác cũng của ông bà truyền lại “Tu thân, tề gia, trị quốc…”. Mọi thứ đều có một thứ tự nhất định, nếu bạn muốn lội ngược dòng thì sẽ cực kì khó khăn. Xưa nay chỉ có “Thời thế tạo anh hùng” còn “Anh hùng tạo thời thế” chắc ngàn năm khó kiếm một người. Bạn muốn đóng vai nào?

Thiên thời là gì, với Internet có lẽ minh họa cụ thể là thời bong bóng dotcom ở Mỹ 1999. Trước đó hầu hết các công ty Internet đều được tôn vinh, công ty nào lên sàn giá cũng tăng vùn vụt đến chóng mặt. Ai ai cũng đổ xô vào các dotcom, nếu không tự lập dotcom thì cũng tranh thủ mua cổ phiếu hoặc bỏ vốn đầu tư vào các công ty dotcom. Mọi thứ đều dễ dàng với các dotcom từ nhân sự, huy động vốn, tiếp thị… Sau đó mọi thứ đều sụp đổ. Trước hay sau bong bóng đều có thời của nó, dù là thời thăng hoa hay thời đại họa.

Ở VN thì chưa cụ thể như thế, nhưng giai đoạn 2006-2007 cũng là năm mà rất nhiều các công ty Internet được thành lập và thu hút nhiều sự chú ý. Năm 2009 thì hầu như không thấy bóng dáng ai? Tuy nhiên tôi nghĩ công ty nào thành lập trong lúc này sẽ có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Vì ít nhất những founder sẽ có một sự chuẩn bị thật tốt và một niềm tin rất lớn mới có thể dám bắt đầu lúc này. Bạn có nghĩ vậy không?

Đâu là địa lợi?

Địa lợi là gì? Địa lợi có thể là lĩnh vực bạn chọn để bắt đầu, địa là đất - vùng đất để bạn “kiếm ăn”. Nếu bạn chọn đúng lĩnh vực “ngon ăn” thì dù bạn đứng ở vị trí thứ 4,5 bạn vẫn có thể sống tốt. Nếu chọn không đúng thì đứng số 1 vẫn chưa tới đâu. Ví dụ ở VN là game online. Trừ 3 nhà phát hành game lớn nhất là VinaGame, FPT, VTC thì một số nhà cung cấp game nhỏ hơn vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận. Hay ngoài đời, các ngành như dầu khí, viễn thông, tài chính đều có trung bình thu nhập cao gấp 3, 4 lần so với các ngành khác. Có thể nói nếu làm ở ngành dầu khí, dù khả năng bạn ở mức trung bình bạn cũng có thu nhập bằng một người giỏi ở lĩnh vực khác. Thậm chí ở TQ tỉ lệ khác biệt giữa các ngành là 10 lần .

Tuy nhiên địa lợi vẫn đi sau thiên thời. Chẳng hạn thu nhập từ ngành viễn thông trong khối nhà nước (trừ các đại gia mạng viễn thông) đang có xu hướng giảm từ nhiều năm nay. Nếu bây giờ bạn nhảy vào ngành Game Online thì tôi không chắc kết quả sẽ thế nào. Ngay cả VinaGame còn phải đa dạng hóa lĩnh vực chứ không thể tập trung vào nồi cơm Thạch Sanh là game thì… Ai biết được 3-5 năm tới lĩnh vực nào sẽ có “thiên thời”? Theo bạn là lĩnh vực nào?

Chặng đường đã qua!

Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy không dài (từ T3/08) nhưng cũng lắm gian nan. Những ai đã thực sự khởi nghiệp hẳn đều biết khoảng thời gian 2 năm đầu luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Giai đoạn này tôi và các bạn sáng lập Skydoor trải qua đủ mọi cảm xúc từ tuyệt đỉnh thăng hoa đến thất vọng cùng cực, đôi lúc có thể gọi là tuyệt vọng :)

Có thể nói startup là một lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, luyện một hồi “đan” ra có tốt không thì chưa biết, nhưng ít nhất bạn trở nên chai lỳ hơn và phải đối phó với rất nhiều vấn để ở nhiều khía cạnh và mức độ “trầm trọng” khác nhau. Có những lúc chúng tôi phải đối diện với sự từ chối hàng loạt của đối tác, khách hàng, nhà đầu tư. Sản phẩm thì chưa hoàn thiện… Lúc nào tôi cũng ở trong một tâm trạng mơ hồ vì chưa có thứ gì cụ thể rõ ràng cả. Có một thời gian dài tôi không chợp mắt buổi trưa được dù chỉ 5-10 phút, buối tối thì rất khó đi vào giấc ngủ, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về hướng đi sắp tới của tổ chức, mô hình kinh doanh thế nào, ai sẽ thực hiện… (nhưng chỉ 2,3 giờ sáng là ngủ vì… mệt quá, không tội gì thức trắng đêm :P).

Đó chưa phải là điều tệ nhất, vấn đề bên ngoài chưa hết thì vấn đề bên trong nảy sinh, mâu thuẫn nội bộ giữa những người sáng lập vì khác biệt về quan điểm, góc nhìn, cách thức làm việc… Mâu thuẫn phát sinh, tranh luận bùng nổ… Tuy nhiên theo tôi điều này là rất bình thường mà bất cứ startup hay nhóm làm việc nào cũng có thể gặp phải.

Đó cũng chưa phải là điều tệ nhất. Chuyện tổ chức chưa xong thì chuyện cá nhân phát sinh. Ngay cả chuyện tình cảm cũng có vấn đề. Mối quan hệ giữa tôi và bạn gái bị break up. Dĩ nhiên các khó khăn của startup không phải là vấn đề chính, nhưng nó cũng là chất xúc tác góp phần gia tăng “tốc độ” chia tay. Anh hùng thì chưa làm được, nhưng mỹ nhân đã không còn. Thậm chí một thời gian sau tôi bị “chai” luôn cảm xúc, không có cảm giác gì hết. Vẫn chưa hết, cùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, phần vốn đầu tư bên ngoài ở một lĩnh vực khác của tôi đã “bốc hơi” 60-70%, bình thường nếu đi làm một khoảng thời gian dài tôi cũng khó gỡ lại vốn cho phần mất đi này.

Đây là lúc tôi thấm thía nhất câu “tu thân, tề gia, trị quốc…”. Bài học từ thực tế lúc nào cũng đáng giá hơn lý thuyết, hay những bài học do người khác nói ra. Dẫu tôi đã dự tính trước rất nhiều khó khăn từ khi chưa bắt đầu, nhưng quả thật dù óc tưởng tượng phong phú đến mấy tôi cũng không hình dung hết được mọi thứ như thế này.

Lúc này tôi giống hệt “người hùng” trong câu nói của một chuyên gia đầu tư tôi vừa nghe gần đây “Bạn khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, và gầy dựng nên… một đống nợ”… Mọi thứ rồi cũng ổn. Dĩ nhiên không phải điều gì cũng được giải quyết xong, nhưng ít nhất tôi học được cách chấp nhận thực tế, dù thực tế có rất tồi tệ. Có những điều bạn không thể thay đổi, có những điều bạn phải chấp nhận, có những điều phải có thời gian và bạn phải kiên nhẫn.

Uhm, tới đây chắc bạn bắt đầu tội nghiệp cho tôi. Mọi thứ có vẻ “thảm thiết” quá. Mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu? Vậy tôi được gì? Kể từ dạo đó, mọi thứ đã trở nên tốt hơn, dù với Skydoor nói riêng và Internet VN nói chung mọi thứ còn đang ở phía trước, nhưng tôi cũng đã “tranh thủ” thu lượm được không ít thứ.

Gặt hái thành quả

1. Kinh nghiệm & trải nghiệm

Đây là một tài sản vô giá mà khủng hoảng kinh tế có trở lại cũng không lấy mất của tôi được. Đó là điều mà bạn phải nhảy vào thực tế bạn mới trải nghiệm được. Có trải nghiệm bạn mới tin được! Có rất nhiều điều mà trước khi bắt tay làm, những người đi trước nói tôi không hề tin. Tôi vẫn nghĩ: tại sao không làm thế này, tại sao không làm thế kia? Nếu là tôi, tôi sẽ làm ý tưởng này, ý tưởng nọ...blah blah blah…. Dù tôi từng có kinh nghiệm làm business riêng (nhưng không phải lĩnh vực Internet). Niềm tin được kiểm chứng tốt nhất từ thực tế.

Khi bạn phải làm một điều gì đó với mọi nguồn lực đều hạn chế, và đối diện với đủ thứ vấn đề từ linh tinh hàng ngày tới chiến lược cao xa hàng năm trời và phải xử lý hàng đống thứ không phải chuyên môn của bạn thì rất khó để so sánh với việc làm trong một hệ thống lớn và bạn chỉ phải lo chuyên môn của mình, mọi thứ khác đã có người khác lo. Vì thế tôi nghĩ một trong những khó khăn lớn nhất của startup là “Giải quyết các nguồn lực” và “Chuyên môn hóa”.

2. Đối tác và bằng hữu

Lại một điều khác mà thực tế mới chứng minh được. Chỉ khi bạn làm việc với những người khác một thời gian đủ dài bạn mới biết được họ rõ hơn, bất kể người đó là mới quen hay là bạn thân của bạn từ rất lâu rồi đi nữa. Và thời gian cũng chính là điều quan trọng để bạn có những đối tác và bằng hữu tốt mà bạn không thể “skip” qua nó.

Khi bạn làm việc với những co-founder khác bạn sẽ biết thêm nhiều điểm mạnh của đối tác mà những người khác không thấy, và cả một số điểm yếu nữa. Đồng thời chính bạn cũng bộc lộ những điểm yếu mà nhiều khi bạn cũng không để ý nếu chưa bắt tay vào việc. Tôi may mắn nhìn ra thêm những điểm yếu lớn của mình, mà để tiếp tục đi tiếp con đường Internet bắt buộc tôi phải tự hoàn thiện.

Tất nhiên ai cũng có nhiều điểm yếu, nên tôi chỉ quan tâm tới những điểm yếu không thể bỏ qua, còn một số khác tốt nhất nên để tâm vào nguyên tắc “chuyên môn hóa” và tập trung vào những điểm mạnh của mình thì hơn.

Không có cá nhân hoàn hảo, chỉ có một team hoàn hảo. Không có một team – một êkip làm việc tốt, bạn sẽ chẳng làm được gì trong thời đại này. Chúng tôi còn phải làm nhiều điều để hoàn thiện team mình theo thời gian.

3. Sản phẩm & người sử dụng

Dù giao diện Skydoor vẫn chưa hoàn thiện và hơi khó sử dụng, nhưng đến nay đã có không ít người sử dụng thân thiết và khá nhiều công ty du lịch sử dụng sản phẩm này như một công cụ chuyên môn. Về mặt cấu trúc thông tin, Skydoor đang có một database được tổ chức rất tốt. Xét về số lượng người dùng, Skydoor là một trong ba site thông tin du lịch có lượng truy cập nhiều nhất VN.

Điều thú vị và cũng là giải thưởng lớn nhất mà những người làm startup hay những ai đang hiện thực một sản phẩm Internet có được, tôi nghĩ là khi có những người sử dụng thực sự yêu thích sản phẩm của mình. Nếu bạn đạt được điều này, những thứ khác rồi sẽ đến. Chúng tôi đã có được… một phần nho nhỏ, vấn đề là phải đi tìm nốt phần còn lại :P

Ngoài ra giải thưởng NTĐV 2008 mà sản phẩm này đem lại đã giúp chúng tôi có thêm “chút gì để nhớ” đối với mọi người, nhất là giới công nghệ. Dù nhiều khi “nhớ” là bị ghét chứ chả phải thương :) Điều này nhờ công sức rất lớn của Ngôn Phạm – đối tác trong hành trình Skydoor của tôi.

4. Quan hệ

Cùng với thời gian thực hiện Skydoor, tôi đã có thêm khá nhiều mối quan hệ, từ bạn bè, đồng nghiệp Internet, quỹ đầu tư, báo chí trong và ngoài nước… Điều này giúp tôi có thêm “insight” của hầu hết các nhóm ngành có liên quan trong lĩnh vực Internet. Ở VN nếu muốn làm ăn trong bất kì lĩnh vực nào cũng không thể thiếu quan hệ.

5. Tương lai

Biết nói thế nào nhỉ, trong lĩnh vực Internet ngay cả Facebook có tới 300 triệu người dùng, Twitter lừng danh cả thế giới, hay như Zing vốn không thiếu tiền mà còn chờ vào tương lai thì tôi cũng phải hy vọng vào tương lai thôi. Vì thế những người đầu tư trong lĩnh vực Internet mới gọi là “đầu tư mạo hiểm”. Nếu thấy kết quả ngay thì đâu có gì là “mạo hiểm” phải không bạn?



Bài & comment trên Facebook http://www.facebook.com/note.php?note_id=215758734226

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com