Tiếp tục chương trình R&D cho bản thân về Internet Việt Nam , tôi lại tiếp tục viết tiếp bài thứ 3. Tuy nhiên sau một hồi suy nghĩ đủ thứ chủ đề, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Quá nhiều đề tài để phân tích và đánh giá, quá nhiều điều cần phải tìm hiểu. Thôi thì bắt đầu từ yếu tố thời gian, nhân ngày cuối cùng trong năm 2009 tôi thử dự đoán về xu hướng Internet Việt Nam năm 2010.
Theo bạn, đây sẽ là năm “Đại họa” hay “Thăng hoa” của Internet VN?
Chủ đề được quan tâm nhiều nhất
1. Mobile
Nếu như năm 2006-2007 là thời thăng hoa của các công ty Internet startup thì năm 2010 có lẽ là thời “cao điểm” của vật dụng bé nhỏ trong lòng bàn tay: mobile. Mọi thứ sẽ dồn về mobile
Thế giới trong lòng bàn tay
· Danh hiệu “Võ Lâm Ngũ Bá” đã được định hình rõ ràng với vị trí bá chủ thuộc về Viettel, Mobifone, Vinaphone,…. Tuy vậy theo một nguồn tin, sẽ có một tập đoàn viễn thông của Mỹ tiếp tục “Hoa Sơn luận kiếm” với hy vọng tranh bá. Hiện tại số thuê bao di động là hơn 73.2 triệu (hết quý 1 -2009).
· Nếu như năm 2008- 2009 vị trí số một thuộc về dòng điện thoại giá rẻ dưới 2 triệu thì 2010 có lẽ vai trò này sẽ chuyển sang smartphone giá rẻ. Với hơn 50% nhu cầu thị trường quan tâm các điện thoại giá rẻ và thông minh, cùng với năng lực sản xuất của các thương hiệu di động VN và TQ như Q-mobile, F-mobile, Mobell, Welcomm, … cũng như khả năng giảm giá của Nokia, Samsung, LG… thì việc cung cầu hòa hợp không phải là điều ngạc nhiên.
· Iphone đã xác lập vị trí dòng smartphone hot nhất hiện nay. Kế đến Android mới biết đi chập chững đã chiếm khoảng 4% thị phần hệ điều hành cho di động, làn sóng này cũng đang lan dần vào VN với một số dòng của HTC. Các hãng đang phát triển mạnh ở VN như LG, Acer cũng đang chuẩn bị tung ra những chú mobile Android.
· 3G đã được 3 mạng lớn nhất triển khai. Khi mạng đã có đủ, thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng, hệ điều hành cũng đầy tiềm năng… nói chung mọi thứ đã có đủ, vậy còn thiếu gì? Đó chính là ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động và kế đó là… thói quen sử dụng những ứng dụng đó của người dùng cuối.
· Ngoài ra rất nhiều công ty Internet không giải được bài toán online payment sẽ tìm đến mobile như một cứu cánh. Liệu bài toán “thói quen người dùng Internet” chưa giải được của nhiều công ty sẽ tiếp tục lặp lại ở đề tài “thói quen sử dụng phần mềm Mobile”?
· Ứng dụng mobile với các lĩnh vực như: gaming, mobile internet, search, location-based service… đang là mảnh đất vàng chờ khai phá.
2. Facebook
Facebook thực sự là một hiện tượng của Internet VN 2009 ở khía cạnh mạng xã hội. Điều tôi muốn nói đến hiện tượng Facebook 2010 là khía cạnh marketing-platform.
Rất nhiều công ty Internet sẽ tập trung sử dụng Facebook như một nền tảng tiếp thị để có thể tiếp thị trực tiếp đến khách hàng theo kiểu vết dầu loang. Và kế đến, không chỉ các công ty Internet mà các công ty FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) sẽ đổ bộ vào Facebook với các game, các ứng dụng tiện ích giải trí để quảng bá sản phẩm của mình theo mô hình tương tác.
Đơn giản hơn, các công ty chỉ cần đăng kí quảng cáo trên Facebook, hoặc tạo fan page để tiếp cận với những khách hàng đang quan tâm những lĩnh vực, mặt hàng sản phẩm họ đang sản xuất. Lợi thế của Facebook lúc này là kho thông tin cá nhân của người dùng.
Rồi những bạn trẻ năng động chuyên bán hàng qua mạng thông qua những website như 5giay, chodientu, vatgia, 123mua … cũng sẽ tạo lập một địa chỉ tương tác như group, fanpage để bắt đầu bán hàng qua Facebook. Lúc này Facebook không chỉ là đối thủ của Zing Me.
Kế đến các lập trình viên tài giỏi muốn chứng thực tài năng, hoặc muốn bắt đầu startup với một chi phí tối thiểu thì Facebook là một nơi tuyệt vời. Không cần phải là chuyên gia về PR/Marketing, không cần tốn công sức cho SEO, chỉ cần một ý tưởng những gì bạn bè xung quanh cần, và một khả năng hiện thực ý tưởng là bạn có thể start! Thậm chí không cần tạo website riêng.
Tuy nhiên, nếu Facebook bị cấm thì đó thực sự là đại họa cho Internet VN. Cơ hội thì cũng có nhưng tôi chắc khó tận dụng được.
Kế đến, thử tiếp tục dự đoán xu hướng các khía cạnh khác
3.· Mô hình kinh doanh
Vấn đề chính của Internet VN 2009 cũng như 2008 là vấn đề mô hình kinh doanh. Kiếm tiền bằng cách nào và kế tiếp là thu tiền từ khách hàng như thế nào luôn là 2 câu hỏi lớn nhất của hầu hết các dotcom. Một khi chưa có một công cụ thanh toán trực tuyến nào có khả năng “nhất thống giang hồ”, quy người dùng về một mối thì … Nhưng thật ra online payment không phải là vấn đề chính. Vấn đề có vẻ ở tự thân của từng dotcom.
Cuối năm 2004 tôi có dịp đến Tokyo. Lúc đó tôi được biết rakuten là mạng e-commerce lớn nhất Nhật Bản. Rakuten là “hàng hóa” thì phải. Tôi hỏi “Khách hàng thanh toán bằng cách nào?” thì được biết cách phổ biến nhất vẫn là “Cash on delivery” – “thu tiền khi giao hàng tận nhà” chứ không phải thẻ tín dụng. Nhật còn như vậy thì theo bạn bao lâu việc thanh toán bằng thẻ ở VN sẽ trở nên phổ biến? Theo tôi được biết thì founder vatgia.com là người từng học tập làm việc ở Nhật về, có vẻ vatgia sẽ đi theo mô hình Rakuten. Ngoài ra Vinabook cũng đang thực hiện hình thức thu tiền kiểu này, hoặc thông qua bưu điện. Ngoài ra khá nhiều công ty Internet TQ đã có những cách thức "go offline" khá hiệu quả.
Các công ty và sản phẩm trong lĩnh vực càng gần với offline như mobile, bán sách, chứng khoán, … sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn các lĩnh vực thuần online. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty kiên quyết tử thủ để bảo vệ tinh thần “pure online” theo “kiểu Mỹ” sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Kiểu TQ chắc là hợp với VN hơn! Hãy thử tưởng tượng nếu VinaGame không có hệ thống phân phối, thu tiền offline bằng thẻ, BGĐ ngồi chờ đến khi hạ tầng thanh toán trực tuyến hoàn chỉnh, thì liệu có được một VinaGame như ngày nay?
4.· Người dùng Internet
Người dùng luôn là vấn đề dễ nhất và khó nhất. Dễ vì nhiều khi chính bạn đã là người dùng Internet, lấy suy nghĩ của bản thân bạn cũng có thể hiểu được “insight” chung của đa số.
Nhiều công ty kêu than rất khó để thay đổi thói quen của người sử dụng, cũng như làm sao để dụ dỗ họ thanh toán trực tuyến (trong đó có chúng tôi). Nhưng thực tế nhìn nhận rất nhiều công ty (trong đó có cả chúng tôi) đánh đố người sử dụng theo cách này hoặc cách khác.
Ví dụ các mạng thanh toán trực tuyến tại VN, ngay cả bản thân tôi lúc muốn dùng thử đã thấy lùng bùng, rắc rối, khó sử dụng và bất tiện thì làm sao một người không am hiểu Internet có thể thích thú nổi?
Như vậy, theo tôi năm 2010 người dùng có thay đổi hay không còn tùy thuộc vào chính bản thân các cty dotcom có tự thay đổi trước để tìm ra những cách thức sáng tạo và phù hợp thực tế hơn hay không.
5.· Nhân sự
Xu hướng dịch chuyển sẽ thể hiện rõ nét trong năm 2010. Điều này có thể do 3 yếu tố chính
1. Các tập đoàn lớn đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới
Trước sức ép ngày càng tăng của những người khổng lồ từ nước ngoài nên không còn cách nào khác, họ phải tập trung mọi nguồn lực để tự vệ. Ngoài ra họ cũng muốn tìm những nguồn thu thay thế cho mảng game online.
2. Thị trường gia công phần mềm thế giới đang dần phục hồi.
4. Khá nhiều công ty Internet do khủng hoảng phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa.
6.· Công nghệ
Cloud-computing được nhiều dự báo sẽ “hot” ở VN vào 2010, tuy nhiên theo tôi có lẽ cloud chỉ là xu hướng của thế giới. Công nghệ Internet ở VN thường đi gần với nhu cầu thực tế thị trường VN. Nên suy ra các công nghệ trên nền mobile, cụ thể là Iphone/Symbian/Android và công nghệ … viết ứng dụng trên platform Facebook sẽ có ưu thế chủ đạo.
7.· Marketing & Quảng cáo trực tuyến
Như đã nói ở phần trên, vì xu hướng Facebook trở thành marketing platform, nên các hoạt động phổ biến của Internet Marketing như SEO Google-oriented sẽ suy giảm, nhường chỗ cho các hoạt động tương tác Facebook-oriented.
Tuy các dạng SEO Google sẽ không được nhiều quan tâm như trước, nhưng quảng cáo cost-per-click của Adword sẽ nhiều khả năng trở thành một trào lưu mạnh mẽ với các công ty offline. Nếu các mạng quảng cáo lớn của VN không có được một mô hình quảng cáo mới đúng với nhu cầu của khách hàng là “hiệu quả trên chi phí” thay vì những con số Alexa, pageview bóng bẩy thì e là doanh số vốn đã không lớn của quảng cáo trực tuyến VN sẽ từ từ chạy vào túi của Google và Facebook hết.
http://www.facebook.com/note.php?note_id=225923874226
--------------------------------
Bài trên chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, sẽ có sai sót hoặc thông tin chưa đầy đủ.
Bài kỳ trước: Internet startup: Bí kíp kỳ hoa dị thảo từ Kiếm hiệp Kim Dung
Bài kỳ tới: Viết gì đây?
Thursday, December 31, 2009
Internet startup: 7 dự đoán... về Internet Việt Nam 2010
Posted by nm at 9:42 PM
Labels: Dự đoán 2010, facebook, internet startup, Internet VN, mobile
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Comments:
Post a Comment