Tuesday, January 19, 2010

Internet startup: 10 sai lầm thường gặp của startup

Dưới đây tôi tổng hợp lại một “bộ sưu tập” các sai lầm mà chính bản thân Skydoor, startup bạn bè tôi, hay một số Internet startup khác thường mắc phải. Đồng thời tôi cũng thử đưa ra một hai giải pháp từ quan điểm cá nhân để giảm thiểu hậu quả của những sai lầm này.



1. Không đủ Dream Team

Tuy nhiên, đã Dream Team thì ít khi có thật, vì thế ban đầu startup chỉ cần 3 vị trí đầu trong Dream Team là quá ổn rồi. Nếu thiếu một thì startup đó sẽ gặp ngay các vấn đề khi: phát triển sản phẩm, hiện thực mô hình kinh doanh, làm việc với quỹ đầu tư. Không có Dream Team hoặc có Dream Team nhưng các thành viên không làm việc được với nhau là sai lầm (hoặc khiếm khuyết) lớn nhất mà một Internet startup có thể mắc phải. Và nó cũng sẽ dẫn đến những sai lầm khác.

2. Chọn sai “ao”

Ao ở đây là thị trường. Nếu chọn ao to quá, có nhiều cá mập thì đó không phải là ao nữa, mà là đại dương đỏ khốc liệt. Nếu chọn ao bé quá, ít cá thì sau này khó mở rộng quy mô hoạt động, và quỹ đầu tư cũng không quan tâm những startup đang bơi trong những ao quá bé. Chọn ao tốt mà mình không biết kỹ thuật đánh bắt thì cũng khó mà bắt được cá to.

IDGVV có một slide nói về hơn 10 cái ao mà họ quan tâm dạng như: game online, jobs online, mobile services… tại đây .

3. Theo “kiểu Mỹ”

Mỹ có quá nhiều điểm khác biệt với VN về hạ tầng, văn hóa, trình độ hiểu biết Internet/công nghệ của người dân nên nên sản phẩm hot ở Mỹ chưa chắc đã được quan tâm ở VN, nhiều người quan tâm chưa chắc đã kiếm tiền được. Nôm na là đem cá ở ao Mỹ về thả ở ao VN, chắc gì đã sống, môi trường ô nhiễm quá mà.

Để cá có xác suất tồn tại cao, nên chăng chọn cá ở những ao có môi sinh tương tự VN ? Hiện FPT, VinaGame đều đang quan tâm “theo đuôi” mô hình những dotcom TQ như Tencent. Chắc họ phải có lý do rồi.

4. Quá lạc quan hay ‘Think big”

Có lẽ những người làm startup hay dễ lạc quan hơn bình thường một chút, vì startup là một hành vi “đầu tư mạo hiểm”. Dám mạo hiểm thì phải lạc quan. Lạc quan thì thường “think big”. Think big sẽ dẫn đến việc đặt mục tiêu quá cao, không khả thi. Hoặc lạc quan quá lại hay kỳ vọng, kỳ vọng không đạt được sẽ dễ thất vọng, nản chí. Ngoài ra lạc quan quá cũng dễ dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, đốt nhanh hết tiền.

“Think big” chắc nên đi kèm với “Act small”?

5. Quá coi trọng ý tưởng

Có lẽ nguồn gốc của việc coi trọng ý tưởng xuất phát từ Mỹ. Ở Mỹ có quá nhiều người xuất sắc và quá nhiều người có thể hành động để hiện thực ý tưởng, nên nếu Internet startup nào có một ý tưởng khác biệt thì dễ thành công hơn. VN là một nước đang phát triển, mọi thứ đều chưa hoàn hảo, chỉ cần lên mạng dò 5 phút hoặc du lịch 3 ngày sang TQ, Sing, Úc… là có ngay cả tá ý tưởng có thể áp dụng ở VN. Quá coi trọng ý tưởng dẫn đến việc giấu giếm thông tin, không thể nhận được phản hồi từ khách hàng mục tiêu, bạn bè, nhà đầu tư… nên dễ dẫn đến những chệch choạc về sau.

Vấn đề có lẽ là ai sẽ hiện thực ý tưởng tốt nhất, kiên trì nhất chứ không phải ai là người có ý tưởng tốt nhất, sớm nhất.

6. Giới thiệu sản phẩm quá chậm/ quá nhanh

Thường gặp ở VN chắc là launch sản phẩm quá chậm. Đưa sản phẩm ra công chúng chậm sẽ nhận được phản hồi của từ thị trường chậm, do đó nhiều khi tiêu tốn quá nhiều thời gian công sức tiền bạc vào những thứ người sử dụng không quan tâm. Launch sản phẩm quá nhanh dẫn đến việc đưa ra nhiều tính năng dư thừa người dùng không cần đến. Nhưng dù sao nhanh vẫn tốt hơn chậm, vì cái sai của nhanh dễ sửa hơn sai của chậm, và chi phí cơ hội cũng ít hơn. Một lý do startup hay ngần ngại đưa ra sản phẩm sớm là như mục 5 “Quá coi trọng ý tưởng”.

Lẽ thường một sản phẩm trước lúc “hoàn hảo” phải thay đổi điều chỉnh năm bảy bận là ít.

7. Không dùng thức ăn của chó

Sai lầm này kỳ cục nhỉ? Microsoft có một câu: “Eat your own dog food”. Sản phẩm của Microsoft trước khi đưa ra thị trường sẽ được cài đặt cho tất cả các nhân viên phòng ban liên quan sử dụng. Developer phải đứng ở góc độ của người dùng bình thường thì mới tạo ra được những sản phẩm xuất sắc và “user-friendly”. Các thành viên trong startup dễ rơi vào trường hợp sử dụng sản phẩm của chính mình ít, hoặc không được thường xuyên và sẽ xa rời user của mình.

Bạn đi xa ra khỏi user thì làm sao họ có thể yêu mến bạn?

8. Chú trọng vào tiếp thị hơn cải tiến sản phẩm

Startup thường lo lắng: “Làm sao để tiếp thị sản phẩm?”. Và bắt đầu tuyển ngay một chuyên gia tiếp thị khi có đầu tư, sau đó tập trung marketing đủ kiểu từ SEO đến báo chí online, offline để thu hút khách hàng mới… thay vì tập trung hoàn thiện sản phẩm, hoặc duy trì tốt mối quan hệ với những khách hàng trung thành hiện tại của mình (CRM).

Tiếp thị thực sự bắt đầu khi chọn ý tưởng, khi thiết kế các tính năng sản phẩm chứ không phải khi tên startup của bạn xuất hiện trên một tờ báo. Thử nhìn các sản phẩm của Google được tiếp thị theo cách nào?

9. Không yêu tiền

Dân startup thường có tech-background. Dân tech-background hay quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm mà ít nghĩ đến việc kiếm tiền từ sản phẩm đó như thế nào, ngay từ đầu. Dĩ nhiên “kiếm tiền” là câu hỏi “To be or not to be?”, sớm muộn ai cũng phải trả lời. Vì thế ai chịu khó trả lời sớm thì sẽ có kinh nghiệm hơn. Một số startup thậm chí đã được đầu tư nhưng cũng chưa chịu “thử” kiếm tiền, dù ít. Liệu mô hình kinh doanh của họ có khả thi hay không?

Kiếm tiền từ sản phẩm và kiếm tiền từ nhà đầu tư hẳn là hai câu hỏi cụ thể cần trả lời theo trình tự và càng sớm càng tốt, ngay từ lúc thành lập startup. Phải tập có "money mind" hoặc xem lại bài Đi tìm Dream Team.

10. Chưa tích lũy đủ sai lầm

Tôi nhớ Einstein có một câu nói “Thiên tài là người phạm hết các sai lầm trong một lĩnh vực”. Thống kê ở Mỹ cũng cho thấy thường một entrepreneur thành công phải lập hơn 3 startup rồi mới có kết quả. Điều này phù hợp với quy luật biện chứng về lượng & chất “ phải tích lũy đủ một lượng nào đó thì chất mới đổi”.

Thử đi hỏi những người thành công, số lượng sai lầm của họ hẳn là vô số, có điều bạn ít thấy sai lầm được nói đến trong những bài báo viết về họ mà thôi. Kinh nghiệm khởi nghiệp không lúc nào thừa.

---


Tóm lại, nếu phải lấy ra thứ quan trọng nhất thì tôi chọn sai lầm số 1 cho điều kiện cần và sai lầm số 10 cho điều kiện đủ phải giải quyết để hình thành một startup thành công.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=257285254226

Bài kỳ trước: Internet startup: Đi tìm Dream Team
Bài tiếp theo - Thứ 5: Internet startup: Những ngôi sao dotcom mới?

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com