Thursday, December 31, 2009

Internet startup: 7 dự đoán... về Internet Việt Nam 2010

Tiếp tục chương trình R&D cho bản thân về Internet Việt Nam , tôi lại tiếp tục viết tiếp bài thứ 3. Tuy nhiên sau một hồi suy nghĩ đủ thứ chủ đề, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Quá nhiều đề tài để phân tích và đánh giá, quá nhiều điều cần phải tìm hiểu. Thôi thì bắt đầu từ yếu tố thời gian, nhân ngày cuối cùng trong năm 2009 tôi thử dự đoán về xu hướng Internet Việt Nam năm 2010.

Theo bạn, đây sẽ là năm “Đại họa” hay “Thăng hoa” của Internet VN?

Chủ đề được quan tâm nhiều nhất

1. Mobile

Nếu như năm 2006-2007 là thời thăng hoa của các công ty Internet startup thì năm 2010 có lẽ là thời “cao điểm” của vật dụng bé nhỏ trong lòng bàn tay: mobile. Mọi thứ sẽ dồn về mobile


Thế giới trong lòng bàn tay

· Danh hiệu “Võ Lâm Ngũ Bá” đã được định hình rõ ràng với vị trí bá chủ thuộc về Viettel, Mobifone, Vinaphone,…. Tuy vậy theo một nguồn tin, sẽ có một tập đoàn viễn thông của Mỹ tiếp tục “Hoa Sơn luận kiếm” với hy vọng tranh bá. Hiện tại số thuê bao di động là hơn 73.2 triệu (hết quý 1 -2009).

· Nếu như năm 2008- 2009 vị trí số một thuộc về dòng điện thoại giá rẻ dưới 2 triệu thì 2010 có lẽ vai trò này sẽ chuyển sang smartphone giá rẻ. Với hơn 50% nhu cầu thị trường quan tâm các điện thoại giá rẻ và thông minh, cùng với năng lực sản xuất của các thương hiệu di động VN và TQ như Q-mobile, F-mobile, Mobell, Welcomm, … cũng như khả năng giảm giá của Nokia, Samsung, LG… thì việc cung cầu hòa hợp không phải là điều ngạc nhiên.

· Iphone đã xác lập vị trí dòng smartphone hot nhất hiện nay. Kế đến Android mới biết đi chập chững đã chiếm khoảng 4% thị phần hệ điều hành cho di động, làn sóng này cũng đang lan dần vào VN với một số dòng của HTC. Các hãng đang phát triển mạnh ở VN như LG, Acer cũng đang chuẩn bị tung ra những chú mobile Android.

· 3G đã được 3 mạng lớn nhất triển khai. Khi mạng đã có đủ, thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng, hệ điều hành cũng đầy tiềm năng… nói chung mọi thứ đã có đủ, vậy còn thiếu gì? Đó chính là ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động và kế đó là… thói quen sử dụng những ứng dụng đó của người dùng cuối.

· Ngoài ra rất nhiều công ty Internet không giải được bài toán online payment sẽ tìm đến mobile như một cứu cánh. Liệu bài toán “thói quen người dùng Internet” chưa giải được của nhiều công ty sẽ tiếp tục lặp lại ở đề tài “thói quen sử dụng phần mềm Mobile”?

· Ứng dụng mobile với các lĩnh vực như: gaming, mobile internet, search, location-based service… đang là mảnh đất vàng chờ khai phá.

2. Facebook

Facebook thực sự là một hiện tượng của Internet VN 2009 ở khía cạnh mạng xã hội. Điều tôi muốn nói đến hiện tượng Facebook 2010 là khía cạnh marketing-platform.



Rất nhiều công ty Internet sẽ tập trung sử dụng Facebook như một nền tảng tiếp thị để có thể tiếp thị trực tiếp đến khách hàng theo kiểu vết dầu loang. Và kế đến, không chỉ các công ty Internet mà các công ty FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) sẽ đổ bộ vào Facebook với các game, các ứng dụng tiện ích giải trí để quảng bá sản phẩm của mình theo mô hình tương tác.

Đơn giản hơn, các công ty chỉ cần đăng kí quảng cáo trên Facebook, hoặc tạo fan page để tiếp cận với những khách hàng đang quan tâm những lĩnh vực, mặt hàng sản phẩm họ đang sản xuất. Lợi thế của Facebook lúc này là kho thông tin cá nhân của người dùng.

Rồi những bạn trẻ năng động chuyên bán hàng qua mạng thông qua những website như 5giay, chodientu, vatgia, 123mua … cũng sẽ tạo lập một địa chỉ tương tác như group, fanpage để bắt đầu bán hàng qua Facebook. Lúc này Facebook không chỉ là đối thủ của Zing Me.

Kế đến các lập trình viên tài giỏi muốn chứng thực tài năng, hoặc muốn bắt đầu startup với một chi phí tối thiểu thì Facebook là một nơi tuyệt vời. Không cần phải là chuyên gia về PR/Marketing, không cần tốn công sức cho SEO, chỉ cần một ý tưởng những gì bạn bè xung quanh cần, và một khả năng hiện thực ý tưởng là bạn có thể start! Thậm chí không cần tạo website riêng.

Tuy nhiên, nếu Facebook bị cấm thì đó thực sự là đại họa cho Internet VN. Cơ hội thì cũng có nhưng tôi chắc khó tận dụng được.


Kế đến, thử tiếp tục dự đoán xu hướng các khía cạnh khác

3.· Mô hình kinh doanh

Vấn đề chính của Internet VN 2009 cũng như 2008 là vấn đề mô hình kinh doanh. Kiếm tiền bằng cách nào và kế tiếp là thu tiền từ khách hàng như thế nào luôn là 2 câu hỏi lớn nhất của hầu hết các dotcom. Một khi chưa có một công cụ thanh toán trực tuyến nào có khả năng “nhất thống giang hồ”, quy người dùng về một mối thì … Nhưng thật ra online payment không phải là vấn đề chính. Vấn đề có vẻ ở tự thân của từng dotcom.

Cuối năm 2004 tôi có dịp đến Tokyo. Lúc đó tôi được biết rakuten là mạng e-commerce lớn nhất Nhật Bản. Rakuten là “hàng hóa” thì phải. Tôi hỏi “Khách hàng thanh toán bằng cách nào?” thì được biết cách phổ biến nhất vẫn là “Cash on delivery” – “thu tiền khi giao hàng tận nhà” chứ không phải thẻ tín dụng. Nhật còn như vậy thì theo bạn bao lâu việc thanh toán bằng thẻ ở VN sẽ trở nên phổ biến? Theo tôi được biết thì founder vatgia.com là người từng học tập làm việc ở Nhật về, có vẻ vatgia sẽ đi theo mô hình Rakuten. Ngoài ra Vinabook cũng đang thực hiện hình thức thu tiền kiểu này, hoặc thông qua bưu điện. Ngoài ra khá nhiều công ty Internet TQ đã có những cách thức "go offline" khá hiệu quả.

Các công ty và sản phẩm trong lĩnh vực càng gần với offline như mobile, bán sách, chứng khoán, … sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn các lĩnh vực thuần online. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty kiên quyết tử thủ để bảo vệ tinh thần “pure online” theo “kiểu Mỹ” sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Kiểu TQ chắc là hợp với VN hơn! Hãy thử tưởng tượng nếu VinaGame không có hệ thống phân phối, thu tiền offline bằng thẻ, BGĐ ngồi chờ đến khi hạ tầng thanh toán trực tuyến hoàn chỉnh, thì liệu có được một VinaGame như ngày nay?


4.· Người dùng Internet

Người dùng luôn là vấn đề dễ nhất và khó nhất. Dễ vì nhiều khi chính bạn đã là người dùng Internet, lấy suy nghĩ của bản thân bạn cũng có thể hiểu được “insight” chung của đa số.
Nhiều công ty kêu than rất khó để thay đổi thói quen của người sử dụng, cũng như làm sao để dụ dỗ họ thanh toán trực tuyến (trong đó có chúng tôi). Nhưng thực tế nhìn nhận rất nhiều công ty (trong đó có cả chúng tôi) đánh đố người sử dụng theo cách này hoặc cách khác.
Ví dụ các mạng thanh toán trực tuyến tại VN, ngay cả bản thân tôi lúc muốn dùng thử đã thấy lùng bùng, rắc rối, khó sử dụng và bất tiện thì làm sao một người không am hiểu Internet có thể thích thú nổi?
Như vậy, theo tôi năm 2010 người dùng có thay đổi hay không còn tùy thuộc vào chính bản thân các cty dotcom có tự thay đổi trước để tìm ra những cách thức sáng tạo và phù hợp thực tế hơn hay không.

5.· Nhân sự

Xu hướng dịch chuyển sẽ thể hiện rõ nét trong năm 2010. Điều này có thể do 3 yếu tố chính
1. Các tập đoàn lớn đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới
Trước sức ép ngày càng tăng của những người khổng lồ từ nước ngoài nên không còn cách nào khác, họ phải tập trung mọi nguồn lực để tự vệ. Ngoài ra họ cũng muốn tìm những nguồn thu thay thế cho mảng game online.
2. Thị trường gia công phần mềm thế giới đang dần phục hồi.
4. Khá nhiều công ty Internet do khủng hoảng phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa.


6.· Công nghệ

Cloud-computing được nhiều dự báo sẽ “hot” ở VN vào 2010, tuy nhiên theo tôi có lẽ cloud chỉ là xu hướng của thế giới. Công nghệ Internet ở VN thường đi gần với nhu cầu thực tế thị trường VN. Nên suy ra các công nghệ trên nền mobile, cụ thể là Iphone/Symbian/Android và công nghệ … viết ứng dụng trên platform Facebook sẽ có ưu thế chủ đạo.

7.· Marketing & Quảng cáo trực tuyến

Như đã nói ở phần trên, vì xu hướng Facebook trở thành marketing platform, nên các hoạt động phổ biến của Internet Marketing như SEO Google-oriented sẽ suy giảm, nhường chỗ cho các hoạt động tương tác Facebook-oriented.

Tuy các dạng SEO Google sẽ không được nhiều quan tâm như trước, nhưng quảng cáo cost-per-click của Adword sẽ nhiều khả năng trở thành một trào lưu mạnh mẽ với các công ty offline. Nếu các mạng quảng cáo lớn của VN không có được một mô hình quảng cáo mới đúng với nhu cầu của khách hàng là “hiệu quả trên chi phí” thay vì những con số Alexa, pageview bóng bẩy thì e là doanh số vốn đã không lớn của quảng cáo trực tuyến VN sẽ từ từ chạy vào túi của Google và Facebook hết.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=225923874226
--------------------------------

Bài trên chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, sẽ có sai sót hoặc thông tin chưa đầy đủ.

Bài kỳ trước: Internet startup: Bí kíp kỳ hoa dị thảo từ Kiếm hiệp Kim Dung
Bài kỳ tới: Viết gì đây?

Tuesday, December 29, 2009

Internet Việt Nam - Bí kíp Kỳ hoa dị thảo từ Kiếm hiệp Kim Dung

Mấy ngày nay thỉnh thoảng tôi có dịp tái ngộ với bộ phim Anh hùng xạ điêu trên kênh HTV7 vào lúc 11h15 buổi tối. Bộ phim với những tình tiết rượt đuổi hồi hộp và gay cấn giữa những nhân vật nổi danh giang hồ như Tây độc Âu Dương Phong, Hoàng Dung, Quách Tĩnh… khiến tôi nhớ lại ngày xưa khi tôi mới bắt đầu đọc tiểu thuyết Kim Dung.


Thần điêu đại hiệp Dương Qua và Tiểu Long Nữ

Tiếu ngạo giang hồ

Lúc đó cách đây khoảng 7,8 năm. Bộ đầu tiên tôi đọc là Tiếu ngạo giang hồ. Dạo đó sau khi làm việc tôi thường ở lại công ty, và ngủ tại đó luôn. Không phải chuyện lạ, vì có tới 3,4 bạn đồng nghiệp khác của tôi cũng ở lại công ty. Sau khi đọc hết hơn 100 chương của Tiếu ngạo giang hồ, đã “quen biết” thân tình với Lệnh Hồ Xung thì tôi tiếp tục “luyện” tiếp Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, … Nhưng thật ra lần đầu tiên tôi biết đến các câu chuyện của Kim Dung là hồi nhỏ khi xem bộ phim Võ Lâm Ngũ Bá.

Quả là rất khó tránh nổi cám dỗ chết người từ những câu chuyện có sức hút kì lạ của Kim Dung. Ông luôn có cách đưa đẩy người đọc đi theo nhân vật vào những tình tiết kịch tính đến tột cùng. Chẳng hạn Thần điêu Đại hiệp Dương Quá vì một mối ân tình khó phai và dòng chữ hiểu nhầm đã chờ đợi, tìm kiếm Tiểu Long Nữ đến gần 20 năm trời mới gặp được trong Tuyệt Tình Cốc. Hay Nhạc Bất Quần – sư phụ của Lệnh Hồ Xung thậm chí ngay cả việc “tự hoạn” ông ta cũng dám làm chỉ để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ. Rồi Vi Tiểu Bảo trên đường hộ tống công chúa Kiến Ninh đi Vân Nam cưới con Ngô Tam Quế đã “yêu” luôn công chúa, sau đó Vi Tiểu Bảo có tổng cộng 7 cô vợ đều là giai nhân tuyệt thế và vài cô võ công thậm chí cao cường hơn Vi Tiểu Bảo nhiều.

Lúc đó tôi không thể cưỡng lại sức cám dỗ từ các bộ truyện nhiều tập của Kim Dung, buổi tối nhiều hôm tôi thức đến 2,3 giờ sáng mà rất khó dứt ra được, chỉ để đọc các trường thiên tiểu thuyết này. Sau vài tháng tôi đã tu luyện xong tất cả 15 bộ Kim Dung, mỗi bộ từ 70 – 150 chương, mỗi chương vài chục trang. Lúc đó tôi cũng tự bái phục “nội công thâm hậu” của mình J Trước đó tôi từng nghĩ chắc chả có thứ gì ghê gớm mà thu hút mình đến nỗi không thể dứt ra được như vậy. Cuối cùng tôi đã có thực chứng!

Sau này thấy rất nhiều người mê đắm điên đảo game Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK), tôi cũng có thể hiểu được đôi phần và “đồng cảm” với các “đồng đạo” võ lâm này, dù tôi chưa có cơ hội chơi VLTK lần nào. Có thể nói Kim Dung là “anh hùng tạo thời thế”, ông không chỉ tạo ra thời thế, mà tạo ra cả một thế giới mới mà hàng chục triệu người say đắm, hàng trăm công ty có thể “ăn theo” và tạo đà chạy cho cả một nền công nghiệp game online của VN (VLTK của Vinagame, Thiên Long Bát Bộ của FPT), rồi kế tiếp là cả ngành Internet VN. Tuy game online có những mặt trái của nó, nhưng dù sao cũng phải “Cám ơn Kim Dung”!

Phát hiện võ lâm bí kíp

Sau khi luyện hết 15 bộ Kim Dung, hồi tưởng lại, bỗng dưng tôi thấy một phát hiện thú vị. Đó là tất cả các nhân vật của Kim Dung đều rất trẻ, và họ gặt hái thành công từ rất sớm. Thú vị kế tiếp là dường như có một công thức chung cho cả bọn họ, mà tôi gọi đó là “Bí kíp kỳ hoa dị thảo”.


Lệnh Hồ Xung & Nhậm Doanh Doanh

Quách Tĩnh dường như có kỳ duyên với hầu hết các guru trong 5 ngũ bá võ lâm. Anh là đệ tử Bắc Cái Hồng Thất Công, bạn thân của Châu Bá Thông, con rể Đông tà Hoàng Dược Sư. Quách Tĩnh tuy tính cách khờ khạo nhưng có một ngộ tính rất cao về võ học và có thể học được những loại công phu khó nhất như Giáng Long Thập Bát Chưởng, hay Cửu âm Chân kinh. Tương tự là Lệnh Hồ Xung, chỉ trong 3 ngày Hồ Xung đã thẩm thấu được Độc cô cửu kiếm từ Phong Thanh Dương. Sau đó Lệnh Hồ Xung còn được một cao thủ truyền 50 năm công lực, nuốt nhầm một loại rắn cực độc (tôi không nhớ tên) mà sau đó công lực lại tăng thêm mấy thành, không sợ độc chất làm hại nữa.

Hay như Vi Tiểu Bảo, nhân vật đặc biệt nhất trong các nhân vật chính của Kim Dung, võ công vốn thường thường bậc trung, nhưng lại có khả năng ứng biến cực hay. Vi Tiểu Bảo có hai mối quan hệ thay đổi cuộc đời, một là tình bạn với vua Khang Hy, hai là ân tình với bang chủ Thiên Địa Hội – Trần Cận Nam. Hai nhân vật lớn đối địch nhau nhưng lại đều là chỗ thâm giao của Vi Tiểu Bảo.

Đi tìm “Kỳ hoa dị thảo”

Bí kíp Kỳ hoa dị thảo có 3 thành tố chính

1. Nhân vật tự thân phải có “ngộ tính” cực cao về võ học.
2. Nhân vật có “sư phụ” là bá chủ giang hồ hoặc là người thân của một võ lâm bang chủ nào đó.
3. Nhân vật tình cờ rơi xuống cốc thẳm, kỳ duyên nhặt được nhân sâm ngàn năm.

Nói thế không phải tôi xúi bạn lang thang lên Tây Nguyên hay Mộc Châu để tìm hang sâu núi cao đâu nhé. Càng không phải tôi xúi bạn đi tìm cưa cẩm con gái của một đại tỉ phú nào đó, vì Hoàng Dung yêu Quách Tĩnh vì QT … khờ chứ không phải vì QT khôn, Nhậm Doanh Doanh con Nhậm Ngã Hành mê Lệnh Hồ Xung vì lương duyên trời định chứ không phải “người định”. Coi chừng phản tác dụng!

Nhìn lại ngành công nghiệp Internet thế giới, có vẻ bí quyết này cũng ứng nghiệm không ngờ với những nhân vật lớn. Bill Gates nếu không mua lại “Cửu âm chân kinh” Q-DOS từ Tim Paterson của Seattle Computer, không được đại sư phụ IBM đỡ đầu thì liệu có một Microsoft độc bá như vậy không? Các Google founder sau rất nhiều lần thất bại, nếu không gặp Andy Bechtolsheim – Co-founder của Sun Microsystems bỏ 100.000$ đầu tư mạo hiểm, không mời được Eric Smith lúc đó là CEO của Novell về làm CEO thì có phát triển mạnh như ngày nay?


Ngay như Zuckerberg của Facebook, nếu không nhặt được “nhân sâm ngàn năm”, một sự may mắn nào đó khiến cho sản phẩm bắt đúng nhu cầu của hàng trăm triệu người toàn cầu, thì cũng khó trở thành một hiện tượng như vậy.

Chuyện may mắn có vẻ không khoa học lắm, nhưng tôi từng đọc một bài viết của một vị trưởng khoa quản trị kinh doanh của học viện công nghệ Massachuset (MIT). Ông này đã nghiên cứu về thành công của rất nhiều doanh nghiệp Internet của Mỹ và rút ra kết luận “May mắn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu”.

Còn tại Việt Nam thì sao, theo bạn bí kíp “Kỳ hoa dị thảo” có đúng với những công ty hay tập đoàn đã rất thành công?


Bài kỳ trước: 2009 – Chặng đường đã qua

Thursday, December 24, 2009

2009 - Chặng đường đã qua!





 Thursday, December 24, 2009 at 4:30pm

Cách đây khoảng 6 tháng, tôi đã dự định viết một một số bài về thị trường Internet VN, tuy nhiên do không có thời gian nên đành hoãn lại. Bây giờ một số công việc đã hoàn tất nên mọi thứ cũng thư thả hơn nên tôi có thể bắt đầu lại dự định cũ mà vẫn mới (với tôi) .

Mục đích viết của tôi đơn giản là nhìn lại những gì đã qua để rút kinh nghiệm, tôi xem những bài viết như là một công cụ R&D của bản thân cần được lưu trữ lại một cách hệ thống. Đồng thời chúng cũng là nơi đón nhận, học hỏi những ý kiến và góc nhìn khác nhau của những đồng nghiệp, các nhà quản lý trong lĩnh vực Internet, nơi để chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có mong muốn startup nhưng chưa bắt đầu. Mục tiêu tôi sẽ viết được mỗi tuần ít nhất một bài, và duy trì tần suất này trong vòng 3 tháng đầu năm 2010.




Có thể định nghĩa Internet startup là mong muốn xây dựng một “đế chế” chỉ với vài con người, một… mớ bàn tay trắng và một niềm tin mạnh mẽ, đồng thời bắt đầu với một ý tưởng. Càng làm tôi càng thấy ý tưởng thật sự… không hề quan trọng. Theo chủ quan của tôi, ý tưởng chỉ chiếm chừng 5-10% của thành công, dĩ nhiên ngữ cảnh đang nói ở khu vực VN, không xét ở Mỹ. Quan trọng là việc thực hiện ý tưởng đó đến cùng. Trong đó niềm tin mới là điều mấu chốt, niềm tin có thể lúc trồi lúc sụt nhưng quan trọng là phải giữ vững niềm tin. Nhưng niềm tin do con người quyết định, nên cuối cùng con người mới là quan trọng nhất.

Đi tìm thiên thời…

Có con người và niềm tin, nhưng nếu bạn hành động mù quáng theo niềm tin mà không cân nhắc trước sau thì mọi người sẽ nói là “không biết theo thời thế”. Quả đúng vậy, tôi càng thấm thía câu của ông bà ta dạy “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Có nhân hòa mà chưa có thiên thời, địa lợi thì cực kì khó khăn để thành công. Sau này tôi còn thấm hơn một câu khác cũng của ông bà truyền lại “Tu thân, tề gia, trị quốc…”. Mọi thứ đều có một thứ tự nhất định, nếu bạn muốn lội ngược dòng thì sẽ cực kì khó khăn. Xưa nay chỉ có “Thời thế tạo anh hùng” còn “Anh hùng tạo thời thế” chắc ngàn năm khó kiếm một người. Bạn muốn đóng vai nào?

Thiên thời là gì, với Internet có lẽ minh họa cụ thể là thời bong bóng dotcom ở Mỹ 1999. Trước đó hầu hết các công ty Internet đều được tôn vinh, công ty nào lên sàn giá cũng tăng vùn vụt đến chóng mặt. Ai ai cũng đổ xô vào các dotcom, nếu không tự lập dotcom thì cũng tranh thủ mua cổ phiếu hoặc bỏ vốn đầu tư vào các công ty dotcom. Mọi thứ đều dễ dàng với các dotcom từ nhân sự, huy động vốn, tiếp thị… Sau đó mọi thứ đều sụp đổ. Trước hay sau bong bóng đều có thời của nó, dù là thời thăng hoa hay thời đại họa.

Ở VN thì chưa cụ thể như thế, nhưng giai đoạn 2006-2007 cũng là năm mà rất nhiều các công ty Internet được thành lập và thu hút nhiều sự chú ý. Năm 2009 thì hầu như không thấy bóng dáng ai? Tuy nhiên tôi nghĩ công ty nào thành lập trong lúc này sẽ có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Vì ít nhất những founder sẽ có một sự chuẩn bị thật tốt và một niềm tin rất lớn mới có thể dám bắt đầu lúc này. Bạn có nghĩ vậy không?

Đâu là địa lợi?

Địa lợi là gì? Địa lợi có thể là lĩnh vực bạn chọn để bắt đầu, địa là đất - vùng đất để bạn “kiếm ăn”. Nếu bạn chọn đúng lĩnh vực “ngon ăn” thì dù bạn đứng ở vị trí thứ 4,5 bạn vẫn có thể sống tốt. Nếu chọn không đúng thì đứng số 1 vẫn chưa tới đâu. Ví dụ ở VN là game online. Trừ 3 nhà phát hành game lớn nhất là VinaGame, FPT, VTC thì một số nhà cung cấp game nhỏ hơn vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận. Hay ngoài đời, các ngành như dầu khí, viễn thông, tài chính đều có trung bình thu nhập cao gấp 3, 4 lần so với các ngành khác. Có thể nói nếu làm ở ngành dầu khí, dù khả năng bạn ở mức trung bình bạn cũng có thu nhập bằng một người giỏi ở lĩnh vực khác. Thậm chí ở TQ tỉ lệ khác biệt giữa các ngành là 10 lần .

Tuy nhiên địa lợi vẫn đi sau thiên thời. Chẳng hạn thu nhập từ ngành viễn thông trong khối nhà nước (trừ các đại gia mạng viễn thông) đang có xu hướng giảm từ nhiều năm nay. Nếu bây giờ bạn nhảy vào ngành Game Online thì tôi không chắc kết quả sẽ thế nào. Ngay cả VinaGame còn phải đa dạng hóa lĩnh vực chứ không thể tập trung vào nồi cơm Thạch Sanh là game thì… Ai biết được 3-5 năm tới lĩnh vực nào sẽ có “thiên thời”? Theo bạn là lĩnh vực nào?

Chặng đường đã qua!

Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy không dài (từ T3/08) nhưng cũng lắm gian nan. Những ai đã thực sự khởi nghiệp hẳn đều biết khoảng thời gian 2 năm đầu luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Giai đoạn này tôi và các bạn sáng lập Skydoor trải qua đủ mọi cảm xúc từ tuyệt đỉnh thăng hoa đến thất vọng cùng cực, đôi lúc có thể gọi là tuyệt vọng :)

Có thể nói startup là một lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, luyện một hồi “đan” ra có tốt không thì chưa biết, nhưng ít nhất bạn trở nên chai lỳ hơn và phải đối phó với rất nhiều vấn để ở nhiều khía cạnh và mức độ “trầm trọng” khác nhau. Có những lúc chúng tôi phải đối diện với sự từ chối hàng loạt của đối tác, khách hàng, nhà đầu tư. Sản phẩm thì chưa hoàn thiện… Lúc nào tôi cũng ở trong một tâm trạng mơ hồ vì chưa có thứ gì cụ thể rõ ràng cả. Có một thời gian dài tôi không chợp mắt buổi trưa được dù chỉ 5-10 phút, buối tối thì rất khó đi vào giấc ngủ, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về hướng đi sắp tới của tổ chức, mô hình kinh doanh thế nào, ai sẽ thực hiện… (nhưng chỉ 2,3 giờ sáng là ngủ vì… mệt quá, không tội gì thức trắng đêm :P).

Đó chưa phải là điều tệ nhất, vấn đề bên ngoài chưa hết thì vấn đề bên trong nảy sinh, mâu thuẫn nội bộ giữa những người sáng lập vì khác biệt về quan điểm, góc nhìn, cách thức làm việc… Mâu thuẫn phát sinh, tranh luận bùng nổ… Tuy nhiên theo tôi điều này là rất bình thường mà bất cứ startup hay nhóm làm việc nào cũng có thể gặp phải.

Đó cũng chưa phải là điều tệ nhất. Chuyện tổ chức chưa xong thì chuyện cá nhân phát sinh. Ngay cả chuyện tình cảm cũng có vấn đề. Mối quan hệ giữa tôi và bạn gái bị break up. Dĩ nhiên các khó khăn của startup không phải là vấn đề chính, nhưng nó cũng là chất xúc tác góp phần gia tăng “tốc độ” chia tay. Anh hùng thì chưa làm được, nhưng mỹ nhân đã không còn. Thậm chí một thời gian sau tôi bị “chai” luôn cảm xúc, không có cảm giác gì hết. Vẫn chưa hết, cùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, phần vốn đầu tư bên ngoài ở một lĩnh vực khác của tôi đã “bốc hơi” 60-70%, bình thường nếu đi làm một khoảng thời gian dài tôi cũng khó gỡ lại vốn cho phần mất đi này.

Đây là lúc tôi thấm thía nhất câu “tu thân, tề gia, trị quốc…”. Bài học từ thực tế lúc nào cũng đáng giá hơn lý thuyết, hay những bài học do người khác nói ra. Dẫu tôi đã dự tính trước rất nhiều khó khăn từ khi chưa bắt đầu, nhưng quả thật dù óc tưởng tượng phong phú đến mấy tôi cũng không hình dung hết được mọi thứ như thế này.

Lúc này tôi giống hệt “người hùng” trong câu nói của một chuyên gia đầu tư tôi vừa nghe gần đây “Bạn khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, và gầy dựng nên… một đống nợ”… Mọi thứ rồi cũng ổn. Dĩ nhiên không phải điều gì cũng được giải quyết xong, nhưng ít nhất tôi học được cách chấp nhận thực tế, dù thực tế có rất tồi tệ. Có những điều bạn không thể thay đổi, có những điều bạn phải chấp nhận, có những điều phải có thời gian và bạn phải kiên nhẫn.

Uhm, tới đây chắc bạn bắt đầu tội nghiệp cho tôi. Mọi thứ có vẻ “thảm thiết” quá. Mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu? Vậy tôi được gì? Kể từ dạo đó, mọi thứ đã trở nên tốt hơn, dù với Skydoor nói riêng và Internet VN nói chung mọi thứ còn đang ở phía trước, nhưng tôi cũng đã “tranh thủ” thu lượm được không ít thứ.

Gặt hái thành quả

1. Kinh nghiệm & trải nghiệm

Đây là một tài sản vô giá mà khủng hoảng kinh tế có trở lại cũng không lấy mất của tôi được. Đó là điều mà bạn phải nhảy vào thực tế bạn mới trải nghiệm được. Có trải nghiệm bạn mới tin được! Có rất nhiều điều mà trước khi bắt tay làm, những người đi trước nói tôi không hề tin. Tôi vẫn nghĩ: tại sao không làm thế này, tại sao không làm thế kia? Nếu là tôi, tôi sẽ làm ý tưởng này, ý tưởng nọ...blah blah blah…. Dù tôi từng có kinh nghiệm làm business riêng (nhưng không phải lĩnh vực Internet). Niềm tin được kiểm chứng tốt nhất từ thực tế.

Khi bạn phải làm một điều gì đó với mọi nguồn lực đều hạn chế, và đối diện với đủ thứ vấn đề từ linh tinh hàng ngày tới chiến lược cao xa hàng năm trời và phải xử lý hàng đống thứ không phải chuyên môn của bạn thì rất khó để so sánh với việc làm trong một hệ thống lớn và bạn chỉ phải lo chuyên môn của mình, mọi thứ khác đã có người khác lo. Vì thế tôi nghĩ một trong những khó khăn lớn nhất của startup là “Giải quyết các nguồn lực” và “Chuyên môn hóa”.

2. Đối tác và bằng hữu

Lại một điều khác mà thực tế mới chứng minh được. Chỉ khi bạn làm việc với những người khác một thời gian đủ dài bạn mới biết được họ rõ hơn, bất kể người đó là mới quen hay là bạn thân của bạn từ rất lâu rồi đi nữa. Và thời gian cũng chính là điều quan trọng để bạn có những đối tác và bằng hữu tốt mà bạn không thể “skip” qua nó.

Khi bạn làm việc với những co-founder khác bạn sẽ biết thêm nhiều điểm mạnh của đối tác mà những người khác không thấy, và cả một số điểm yếu nữa. Đồng thời chính bạn cũng bộc lộ những điểm yếu mà nhiều khi bạn cũng không để ý nếu chưa bắt tay vào việc. Tôi may mắn nhìn ra thêm những điểm yếu lớn của mình, mà để tiếp tục đi tiếp con đường Internet bắt buộc tôi phải tự hoàn thiện.

Tất nhiên ai cũng có nhiều điểm yếu, nên tôi chỉ quan tâm tới những điểm yếu không thể bỏ qua, còn một số khác tốt nhất nên để tâm vào nguyên tắc “chuyên môn hóa” và tập trung vào những điểm mạnh của mình thì hơn.

Không có cá nhân hoàn hảo, chỉ có một team hoàn hảo. Không có một team – một êkip làm việc tốt, bạn sẽ chẳng làm được gì trong thời đại này. Chúng tôi còn phải làm nhiều điều để hoàn thiện team mình theo thời gian.

3. Sản phẩm & người sử dụng

Dù giao diện Skydoor vẫn chưa hoàn thiện và hơi khó sử dụng, nhưng đến nay đã có không ít người sử dụng thân thiết và khá nhiều công ty du lịch sử dụng sản phẩm này như một công cụ chuyên môn. Về mặt cấu trúc thông tin, Skydoor đang có một database được tổ chức rất tốt. Xét về số lượng người dùng, Skydoor là một trong ba site thông tin du lịch có lượng truy cập nhiều nhất VN.

Điều thú vị và cũng là giải thưởng lớn nhất mà những người làm startup hay những ai đang hiện thực một sản phẩm Internet có được, tôi nghĩ là khi có những người sử dụng thực sự yêu thích sản phẩm của mình. Nếu bạn đạt được điều này, những thứ khác rồi sẽ đến. Chúng tôi đã có được… một phần nho nhỏ, vấn đề là phải đi tìm nốt phần còn lại :P

Ngoài ra giải thưởng NTĐV 2008 mà sản phẩm này đem lại đã giúp chúng tôi có thêm “chút gì để nhớ” đối với mọi người, nhất là giới công nghệ. Dù nhiều khi “nhớ” là bị ghét chứ chả phải thương :) Điều này nhờ công sức rất lớn của Ngôn Phạm – đối tác trong hành trình Skydoor của tôi.

4. Quan hệ

Cùng với thời gian thực hiện Skydoor, tôi đã có thêm khá nhiều mối quan hệ, từ bạn bè, đồng nghiệp Internet, quỹ đầu tư, báo chí trong và ngoài nước… Điều này giúp tôi có thêm “insight” của hầu hết các nhóm ngành có liên quan trong lĩnh vực Internet. Ở VN nếu muốn làm ăn trong bất kì lĩnh vực nào cũng không thể thiếu quan hệ.

5. Tương lai

Biết nói thế nào nhỉ, trong lĩnh vực Internet ngay cả Facebook có tới 300 triệu người dùng, Twitter lừng danh cả thế giới, hay như Zing vốn không thiếu tiền mà còn chờ vào tương lai thì tôi cũng phải hy vọng vào tương lai thôi. Vì thế những người đầu tư trong lĩnh vực Internet mới gọi là “đầu tư mạo hiểm”. Nếu thấy kết quả ngay thì đâu có gì là “mạo hiểm” phải không bạn?



Bài & comment trên Facebook http://www.facebook.com/note.php?note_id=215758734226

Sunday, December 13, 2009

Mozilla (Firefox) quan tâm gì ở Việt Nam và Đông Nam Á?

 Sunday, December 13, 2009 at 11:31pm

Tối qua tôi và vài người bạn có một buổi trao đổi Gen Kanai, GĐ Phát triển khu vực Châu Á của Mozilla. Gen là người Mỹ gốc Nhật, trước khi làm việc ở Mozilla anh đã làm việc ở Sony, Toyota. Mục đích chuyến đi VN của Gen là lấy thông tin phản hồi của người dùng VN về Firefox Vietnamese (FFV), khảo sát thị trường Internet Vietnam và xúc tiến một số hoạt động của Mozilla tại VN.




Lần này Gen đến VN khoảng 6 ngày, 3 ngày ở Sài Gòn và còn lại ở HN. Ở SG anh gặp một vài Internet entrepreneur và Web/mobile developer cũng như quỹ đầu tư, tham dự BarCamp. Ra HN anh làm việc với Bộ VHTT và Bộ Giáo dục, về phía công ty có thể sẽ làm việc với FPT.

Một số quan tâm của Gen

* Firefox & Firefox Mobile
o Phản hồi về FFV 3.5
o Những đối tượng nào hay sử dụng Firefox nhất?
o Khi nào thì một người dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng Firefox?
o Những đối tượng tiềm năng sử dụng Firefox Vietnamese.
o Mọi người có sử dụng Thunderbird (tương tự Outlook) hay không?
o Hiện giờ người VN hay sử dụng những loại email client hay Internet mail nào? Tại sao?

* Thị trường VN
o Ecommerce ở VN hiện đã tới giai đoạn nào? Đâu là các website E-commerce phổ biến nhất VN hiện nay?
o Các trường đào tạo CNTT (mức phổ cập) hiện nay dạy những gì, có những môn gì liên quan Internet?
o Ở VN có những hoạt động, triển lãm, sự kiện gì trong lĩnh vực Internet?
o Các nhãn hiệu mobile phổ biến và phân khúc giá các loại smartphone tại VN.
o Tình hình các mạng di động lớn nhất của VN?
o ...


Một số thông tin do Gen cung cấp

* Indonesia là nơi có người dùng Firefox lớn nhất Châu Á. Thị phần Firefox Indo lên đến 60-70%. (Tôi hỏi phải chăng Mozilla có nguồn gốc Muslim thì Gen nhất quyết không chịu đồng ý!!)
* Việt Nam là nơi thị phần của Firefox tăng trưởng nhanh nhất ĐNA. Thị phần Firefox VN hiện giờ khoảng 30%.
* Trong ĐNA Firefox cũng quan tâm đến Thái Lan, Philippines.
* Trung Quốc là nơi thị phần của Firefox ẹ nhất châu Á, chỉ được 2-3%. Đa số bị độc chiếm bởi IE, kế đó là China 360 (một local browser dùng IE engine). Có vẻ VN cấp tiến hơn TQ nhiều trong việc dùng phần mềm mã nguồn mở.
* Do Mozilla là tổ chức phi lợi nhuận, nên hầu hết các dịch vụ của Mozilla đều không thu phí, hiện doanh số chính của Mozilla đến từ việc các công ty trả tiền để được "set as default service" trên Firefox. Hiện giờ tiền từ Google là nguồn thu chính của Mozilla


Ngoài ra

* Do Mozilla là một social entereprise, nên khi làm việc tại Mozilla, Gen có cảm giác mình đang đóng góp vào việc phát triển xã hội, làm cho công việc ... lướt web của mọi người dễ dàng và tốt đẹp hơn.
* Gen rất thích thú khi nhắc đến Pencil, một phần mềm từng đoạt giải nhất cuộc thi "Extend Firefox Contest 2008 ". Điều thú vị là phần mềm này do Dương Thành An - một cựu sinh viên Bách Khoa MT97 phát triển. Hiện giờ Pencil đã có đến 260.000 lượt download.


Tóm lại, dạo này có vẻ các tập đoàn Internet thế giới bắt đầu quan tâm hơn đến khu vực ĐNA nói chung cũng như VN nói riêng.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp Internet của chúng ta.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=199967229226

Tham khảo

* Hình Gen tại BarCampSaigon: http://twitpic.com/tbmg6 (by Khánh Lê)
* Bài viết liên quan: Internet Việt Nam - Một góc nhìn bên ngoài chiếc hộp

Bài & comment trên Facebook http://www.facebook.com/note.php?note_id=199967229226

Tuesday, November 24, 2009

Hậu Yes 2009: Tại sao Việt Nam chưa có những công ty toàn cầu như Malaysia ?

Tuesday, November 24, 2009 at 9:36pm 

Trở về từ Yes 2009 tuần rồi ở Kuala lumpur, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Một phần vì ấn tượng trước những chia sẻ trực tiếp của những diễn giả tầm cỡ thế giới mà đây có lẽ là dịp hiếm có để nghe họ nói chuyện. Phần khác vì đây là lần trở lại KL lần thứ hai kể từ 2006. KL vẫn thế, không thay đổi nhiều, vẫn những tòa tháp cao tầng đồ sộ, vẫn tháp đôi Petronas cao chọc trời. Nhưng ấn tượng vì con người Malaysia và các tập đoàn của Malaysia thì lại mạnh mẽ hơn.

Trong “định kiến” của tôi, Malaysia chỉ là một nước láng giềng ĐNA chỉ hơn VN chút ít, không giàu có như Brunei, con người không nổi bật như Singapore. Nhưng thực sự định lượng lại thì họ hơn VN quá xa. Không cần xa xôi gì, chỉ cần xét hệ thống tàu điện ngầm, mono rail, xe lửa công cộng của họ , có lẽ VN muốn xây được một hệ thống như vậy chỉ riêng việc giải tỏa thi công bét ra cũng phải hơn 10 năm, chưa tính đến việc có tiền làm hay không.

Điểm qua vài tập đoàn lớn

Tháp đôi Petronas do tập đoàn cùng tên xây dựng với tổng chi phí 1,2 tỉ USD. Petronas nằm trong Fortune 500 với chi nhánh ở hơn 30 nước trên thế giới. Sime Darby là một nhà tài trợ chính của Yes 2009. Theo brochure của họ, Sime Darby là công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Malaysia với vốn hóa 41.76 tỉ ringgit ~ 12.5 tỉ USD.

Trong khi đó công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán VN (ngày hôm nay 24/11/09) là VNM – 29.5 ngàn tỉ VNĐ ~ 1,64 tỉ USD. Một công ty khác dạng tầm cỡ trên sàn với vị trí thứ 15, FPT cũng có “mưu đồ bá vương” ra thế giới hiện có giá trị 11,8 ngàn tỉ VNĐ~ 0,65 tỉ USD. Một cty khác nữa cũng có thể vươn ra ngoài VN là HAGL vốn hóa 13 ngàn tỉ VNĐ ~ 0.7 tỉ USD.

Air Asia, lúc thành lập năm 2001 với 2 máy bay, chỉ sau 8 năm ngắn ngủi, giờ đây đã trở thành hãng hàng không giá rẻ số 1 châu Á với hơn 80 máy bay. Dato’ Seri Tony Fernandes , Founder/CEO của Air Asia, cũng là diễn giả Yes 2009, một người Malaysia bước vào lĩnh vực hàng không với số vốn zero kinh nghiệm trên bầu trời vì trước đó ông làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc ở Time Warner và AOL.



Lần đầu bay Air Asia từ Bangkok sang Yangoon đầu năm nay, tôi đã bị ấn tượng mạnh vì hãng này. Tuy là low-cost-carrier, nhưng Air Asia dùng toàn máy bay Boing và Airbus mới, sạch, đẹp, chuyên nghiệp. Hệ thống nhận diện thương hiệu rất nổi bật với hai màu trắng đỏ. Từ lúc đặt vé-checkin-out đều rất dễ dàng. Nhất là các cô tiếp viên, nhân viên bán vé đều rất… xinh đẹp và thân thiện. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy với sự chuyên nghiệp như vậy, nay trực tiếp biết thêm tầm nhìn, chiến lược và con người của Fernandes, tôi tin rằng việc Air Asia trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới cũng không xa.


Chuẩn bị cho tương lai

Chưa tính đến các tập đoàn đã thể hiện được tầm vóc của mình, thế hệ kế thừa của Malaysia cũng không hề kém cạnh. Khailee Ng , 25 tuổi, Executive Director của Youth Asia, Khailee Ng là một trong những nhân vật chính tổ chức Yes 2009, quảng bá đến vài triệu bạn trẻ khắp 10 nước ĐNA, thu hút hơn 600.000 người đăng kí tham gia trên website, và 3000 bạn trực tiếp tham gia hội nghị trong khoảng thời gian vài tháng. anh cũng có thể là một global icon của tương lai.

Một người khác cũng rất tiềm năng là Michael Teoh, 22 tuổi, Youth Community Leader Malaysia, …mới nhìn thôi đã thấy đây là một nhà lãnh đạo của tương lai, Michael từng được mời tới phát biểu tại Harvard Business Conference.


Phân tích nguyên nhân

Thử xem xét một vài lý do xem tại sao VN chưa có những tập đoàn như Petronas, Air Asia?

1. Quy mô nền kinh tế nhỏ

GDP VN năm 2008 là 90.7 tỉ USD trong khi của Malaysia là 195 tỉ USD. Trong khi đó dân số lại tương phản: VN 86 triệu, Malaysia 27 triệu người. Có thể ví von là một người Malay làm việc hiệu suất bằng 7 người VN.

· Xem bảng so sánh dân số hai nước
· Xem bảng so sánh GDP hai nước . Nhớ đừng click vào Indonesia, nếu không bạn sẽ bị choáng!!

Quá nhiều người chia nhau một ít tiền, dĩ không không thể có nhiều tiền tập trung vào một công ty nào và để họ có thể mở rộng ra nhiều nước trên thế giới.

2. Thiếu một số nhà lãnh đạo xuất chúng

Hình như VN vẫn còn thiếu những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm ở tầm vóc thế giới, hoặc những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tham vọng cạnh tranh toàn cầu.

Về phía giới trẻ, Việt Nam có thể có rất nhiều người giỏi ở nhiều lĩnh vực, nhưng những nhà tổ chức trẻ có tầm cỡ như Khailee thì ít khi thấy. Ngay cả việc nghĩ đến việc thành lập ra một tổ chức trẻ có tầm vóc bên ngoài VN, thậm chỉ trong ASEAN, hay nhỏ hơn nữa là trong Đông Dương cũng chưa thấy ai nghĩ tới, đừng nói tới việc thực hiện ở tầm vóc ASEAN hay rộng lớn hơn???

3. Khả năng hội nhập “toàn cầu hóa” của đa số người bình thường

Điều này cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Mặt bằng chung càng cao thì cơ hội bốc ra những người nổi bật càng nhiều, nôm na là “nước nổi thì bèo lên”. Bèo còn lên thì thứ gì khác cũng lên tuốt. Trong đó người Malay có lợi thế lớn ở hai yếu tố chính.

Tiếng Anh

Người Malay được học tiếng Anh từ cấp 1, và thậm chí từ mẫu giáo (kindergarten). Hiện giờ giao tiếp công việc họ đều dùng tiếng Anh (tiếng địa phương là Bahasa), thậm chí 99% khu vực tư nhân dùng tiếng Anh. Thật quá dễ để họ đi lại, du lịch, làm việc ở nước ngoài, …

Ngoài ra trong ĐNA chúng ta cũng nên ghen tỵ với dân Philippin, vì ngay cả một người rất bình thường của họ cũng có thể đi khắp nơi trên thế giới, giao tiếp thoải mái bằng tiếng Anh, chỉ để làm… việc nhà.

Quen thuộc việc quốc tế hóa

Malaysia bao gồm 3 sắc dân chính: Malay 50%, Chinese 25%, còn lại là 8% Indian và những nhóm người khác.

Thứ nhất điều này khiến họ rất quen thuộc với việc sinh sống, làm việc chung với dân tộc ở các nước khác. Cứ xem tuyển bóng đá VN từ hồi có Kiatisak, các cầu thủ ngoại… đến đá thì sau đó gặp tuyển Thái họ không còn “cúm” chân run rẩy như trước nữa.

Thứ hai việc hai sắc dân chính là TQ, Ấn Độ khiến họ tìm hiểu thị trường, mở chi nhánh, tuyển nhân viên… ở nước ngoài rất dễ dàng. Bạn thử tưởng tượng giờ đi nước nào không có người Hoa hay người Ấn? Nội dân Ấn và TQ cộng lại đã hơn 2 tỉ, hơn 1/3 dân số thế giới. Xác suất họ đi ra ngoài nước sẽ tìm được 1 trong 3 người để tuyển dụng, hợp tác, làm việc… Rõ ràng mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngoài ra họ cũng rất quen thuộc với kiểu văn hóa từng làm nên thành công của “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” khi có nhiếu sắc dân khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau (Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo…)

Vậy đâu là tiềm năng của Việt Nam?

Về quy mô nền kinh tế, chắc chúng ta phải hy vọng nó sẽ tăng lên rất nhiều, hy vọng vì hiện tại có vẻ kinh tế đang khá ì ạch.

Về những nhà lãnh đạo, dĩ nhiên trong top những công ty hàng đầu VN hiện nay cũng có những nhân vật có tiềm năng và tham vọng như Mr Đoàn Nguyên Đức HAGL, hay Mr. Trương Gia Bình FPT, và thậm chí những vị tướng lĩnh đang dẫn dắt Viettel. Hãy chờ xem 5-10 năm nữa xem họ sẽ đi đến đâu?

Còn khả năng tiếng Anh, có lẽ càng ngày giới trẻ VN sẽ càng có nhiều lợi thế hơn để cải thiện tình hình. Theo Youth Engagement Report với hơn 600.000 người tham gia khảo sát từ các nước ĐNA, một xu hướng chính của giới trẻ Việt Nam (đa số từ 15-23 tuổi) là du lịch nước ngoài, mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế, và họ cũng rất quan tâm đến việc chuẩn bị cho mục tiêu du học trong tương lai.

Ở góc độ giới trẻ, cũng có những người có thể nói là nhà lãnh đạo của tương lai như Huyền Chip, Youth Community Leader của SEAChange (Chiến dịch tiền Yes 2009)..

Trong giới Web 2.0 hầu như không ai không biết Chip, kể cả những guru hoặc các expat tại VN. Tuy chưa tới tầm của Khailee và Michael, nhưng khi Chip chỉ là một cô gái nhỏ ở tuổi 19, với thể hiện leadership đáng nể, cộng với tư duy sắc bén và khả năng networking cực tốt, tôi tin rằng Chip sẽ tiến rất xa.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=182402139226

Một số bài liên quan

Ngôn Phạm: Giấc mộng "Go Global" của các công ty CNTT Việt
Internet Việt Nam, một góc nhìn từ bên ngoài "chiếc hộp"


Internet Việt Nam, một góc nhìn từ bên ngoài "chiếc hộp"

Monday, October 05, 2009

Internet Việt Nam, một góc nhìn từ bên ngoài "chiếc hộp"

Tối qua tôi có một cuộc gặp gỡ với một vài đồng nghiệp trong ngành Internet, nội dung chủ yếu xoay quanh thị trường Internet và các cty khởi nghiệp trong khu vực. Trong đó có hai cuộc đối thoại nho nhỏ với Mr.Mohan đến từ Singapore và Mr.X từ một quỹ đầu tư tại VN. Sau buổi nói chuyện tôi cũng thu lượm được khá nhiều thông tin bổ ích, trong đó thú vị nhất có lẽ là cái nhìn của một người từ bên ngoài VN nhìn vào thị trường VN ở góc độ khu vực ĐNA.

Để có một cái nhìn chung về người đưa ra ý kiến, tóm tắt sơ lược về Mr. Mohan như sau

Mohan tốt nghiệp khoa Computer Sciences ở NUS, sau đó học Master of Computer Sciences Management ở ĐH Stanford, lò đào tạo của nhừng sáng lập viên của Google, Yahoo, Cisco... Sau đó Mohan lập ra e27.sg, một blog , nguyên văn "a community centric startup and web technology blog" ở châu Á. e27 chuyên về media và marketing cho các MNC trong khu vực, vừa rồi e27 đã tổ chức một event lớn về Internet startup http://www.e27.sg/unconference/2009/ và sắp tới là tham gia tổ chức "Open Hack Day Asia" cho Yahoo ở Indonesia vào tháng 11 tới.

Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa tôi và Mohan. Góc độ VN tôi share với Mohan có lẽ các bạn đã biết hết rồi, nên tôi chỉ kể lại những gì Mohan nói.

Hỏi: Tại sao anh tới VN?
Đáp: Lần này tôi tới VN để khảo sát môi trường Internet VN, gặp gỡ những "the shifter and mover" ở startup space tại VN, cũng như hiểu hơn về vai trò của nhà nước với Internet, các "funding initiatives"...

Hỏi: Theo anh thì Internet VN có tiềm năng như thế nào trong ĐNA?
Đáp: VN đứng thứ 4. Theo trình tự
1. Singapore
2. Indonesia
3. Malaysia
4. Việt Nam
5. Thái Lan

Hỏi: Tại sao?
Đáp:
  • Thị trường Singapore tuy nhỏ (4.6 triệu dân) nhưng đã phát triển đầy đủ, 100% dân sử dụng Internet, thu nhập bình quân rất cao. (Một ý ngầm hiểu: Sing là sân nhà của Mohan)
  • Indonesia có gần 240 triệu dân và tỉ lệ người sử dụng Internet rất cao. Trong đó đa phần là người trẻ, thu nhập cao. Đặc biệt họ lại thường sử dụng smartphone Black Berry, Iphone... rất nhiều .
  • VN: nếu chính phủ không có những chính sách hỗ trợ mạnh thì thị trường sẽ phát triển chậm chạp.
  • Thái Lan: chính phủ không ổn định.
Hỏi: Với Yahoo VN đứng thứ mấy?
Đáp: Thứ 2. Số 1 là Indonesia. Ngoài lý do ở trên thì người sử dụng Internet ở Indo cũng rất hay sử dụng các dịch vụ của Yahoo, tương tự như ở VN.

Hỏi: Lạ nhỉ, Google thì khác hẳn, có lần một anh Google Consultant nói rằng trong ĐNA họ quan tâm nhiều nhất tới Thái Lan?
Đáp: Đó là chiến lược của Google, họ tập trung vào nước có những developer tốt nhất trong khu vực. (?!!!)

Hỏi: Thị trường Indo hấp dẫn như vậy, liệu có khó khăn gì?
Đáp: Tham nhũng, tỉ lệ tham nhũng ở đó cực cao.

Hỏi: ở Sing những công ty Internet có doanh thu lớn nhất nằm trong lĩnh vực nào?
Đáp: với thị trường nội địa hầu hết là các công ty lớn nằm trong lĩnh vực Game Online, họ cũng nhập game từ HQ và TQ về phân phối lại. Ngoài ra cũng có một số công ty về du lịch như WeGo.com (bạn của tôi thành lập - Mohan), việc làm JobStreet.com cũng khá lớn, tuy nhiên các công ty này không giới hạn phục vụ trong thị trường nội địa mà mở rộng ra khu vực hoặc thế giới.

Hỏi: điều gì tạo nên sự phát triển vượt bậc của Singapore?
Đáp: Sing nhỏ, ít người, không có tài nguyên, nên chúng tôi phải nỗ lực vươn ra bên ngoài, dùng chất xám thay cho tài nguyên để phát triển. Đồng thời Lý Quang Diệu cũng là người quan trọng nhất tạo ra Singapore ngày nay.
Hỏi: Nhưng vài người bạn (người Sing) của tôi nói là họ không thích ông ấy, ông ấy theo chủ nghĩa gia đình trị, các vị trí quan trọng của nhà nước đều do các thành viên gia tộc họ Lý nắm giữ (thủ tướng, chủ tịch quỹ Temasek 200 tỉ USD...).
Đáp: Đúng là gia đình trị, nhưng điều quan trọng là kết quả, kết quả ông ấy tạo ra rất tốt. Bạn có biết thủ tướng Sing là người có mức lương cao nhất trong các nguyên thủ thế giới? 2.000.000$. Trong khi lương tổng thống Mỹ là 400.000$.

Ghi chú
Tiếp theo là nội dung đoạn trao đổi của tôi với Mr.X. Mr.X trước đây làm tại một quỹ đầu tư lớn tại VN, sau đó anh mới chuyển sang một quỹ đầu tư mới thành lập tại VN hơn 1 năm (quỹ Y), có hai founder tốt nghiệp MBA tại Harvard (ở VN không biết có hơn 10 người không?).
Quỹ này tuy chưa từng đầu tư vào một Internet startup nào tại VN, nhưng cũng rất quan tâm tới dotcom vì một founder từng nắm giữ những vị trí giám đốc toàn cầu của nhiều bộ phận tại một tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì thế giới. Ngoài ra founder này cũng là một thành viên sáng lập của một website đấu giá nổi tiếng ở TQ, đã được bán lại cho Ebay.

Hỏi: Tại sao quỹ Y không đầu tư vào các công ty Internet startup tại VN?
Đáp: Thời điểm này còn khá sớm, nên đầu tư giai đoạn này rất rủi ro. Seri A có lẽ sẽ phù hợp hơn, khoảng 3-5 năm nữa. Tuy nhiên đó chỉ là nhận định chủ quan, thực tế mới là câu trả lời chính xác nhất.

Hỏi: Thế các công ty Internet ở VN hiện nay có gì đáng lưu ý?
Đáp: Hiện tại chưa thấy công ty nào thực sự outstanding.
Hỏi: Công ty V thì sao?
Đáp: Đúng là họ đã có bước khởi đầu rất tốt với sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên các sản phẩm sau này chưa thực sự tạo ra được dấu ấn gì đáng kể.

Hỏi: Vậy hiện giờ quỹ đang làm gì?
Đáp: Hiện giờ quỹ Y không phải là venture fund mà là private equity fund. Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống đang phát triển mạnh, các lĩnh vực có thị trường nội địa lớn hoặc xuất khẩu mà VN có lợi thế cạnh tranh.

Hỏi: Những lĩnh vực nào VN có lợi thế cạnh tranh?
Đáp: Có một vài lĩnh vực VN có lợi thế cạnh tranh, ... nhưng xét kỹ lại thì cuối cùng không chắc VN có lợi thế cạnh tranh thật sự hay không.

Hỏi: Thế xuất khẩu thủy sản, nông nghiệp VN cũng đã có những mảng chiếm thị phần số 1 hoặc nằm trong top 3 thế giới như tiêu, điều, tôm... thì sao?

Đáp: Đó chỉ là số lượng, số lượng chưa nói lên được vấn đề. Rất nhiều lĩnh vực ta không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào...chẳng hạn vẫn thu mua tôm có bơm tạp chất.. số lượng cũng không ổn định... Có lẽ cuối cùng phải đánh giá lại có nên đầu tư vào VN không chứ không chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào.

Hỏi: Vậy tại sao có những lĩnh vực có vẻ cũng "hot" và được nước ngoài quan tâm?
Đáp: Cũng có những lĩnh vực phát triển nhanh, nhưng cũng chỉ là bùng phát ngắn hạn. Về dài hạn chúng tôi chưa nhìn thấy sự phát triển bền vững.

Đến đây thì buổi nói chuyện tạm kết thúc do mọi người không thể cưỡng lại... món bò cuốn nướng nóng hổi đang bốc khói nghi ngút... rất hấp dẫn của Barbecue Garden.

Sunday, August 30, 2009

Du lịch bụi: Brunei du ký

Đón “water taxi”.


Chiếc xe hơi lăn bánh chở tôi tiến vào thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei cũng là lúc tôi nhận được sự hiếu khách đầu tiên của người dân xứ này. Sau đó anh chàng chủ xe vốn là huấn luyện viên pencat- silat rất nhiệt tình tìm giúp khách sạn dù lúc đó đã hơn 12h đêm.



Đường phố Brunei lúc hơn 8h sáng.

Buổi sáng đầu tiên, tôi điểm tâm bằng một món xứ Bru, thật ra cũng khó tìm thấy món đặc trưng của xứ này, phần nhiều cũng là món ăn của người Hoa. Ngôi chợ ven sông cũng không khác biệt với chợ ở Việt Nam lắm ngoại trừ việc những người phụ nữ bán hàng luôn có chiếc khăn trùm đầu đặc trưng. Đường phố thưa thớt người đi, đa số là xe hơi.


Trong khu chợ ven sông.

Ven sông những chiếc “water taxi” đang sẵn sàng xuất bến để chở du khách đến khu làng nổi gần đó. Những người lái “taxi” có vẻ rất sành điệu và chắc là không bị ... bắn tốc độ nên phóng nhanh một cách đáng ngạc nhiên trên sông.

Khu làng nổi Kampung Ayer là một nơi không thể bỏ qua, cũng như cái tên gán ghép mỹ miều “Real Venice” của châu Á. Không phải là Venice chính hiệu “made in Italia” nên họ phải gắn thêm chữ Real cho thêm phần ấn tượng. Điều thú vị là có cả hệ thống nước máy, điện ra tận nơi. Con đường chính làm bằng các tấm gỗ ghép lắp trên cọc bê tông, thỉnh thoảng lại có một “con hẻm” rẽ nhánh vào một “biệt thự” nào đó. Sách du lịch bụi Lonely Planet mô tả khu này là “bạn có thể đi thẳng vào nhà bếp ai đó lúc nào không hay”.

Làng nổi Kampung Ayer.

Đi xuyên qua Kampung Ayer, tôi định hướng bằng ngọn chóp vàng của tòa “bảo tháp” Omar Ali Saifuddien Mosque – một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất Brunei. Bỗng tôi giật mình vì tiếng cầu kinh cất lên vang dội khắp nơi trong thành phố. Mỗi ngày họ cầu kinh 5 lần từ sáng đến chiều tối. Mỗi lần cầu kinh thì tất cả các phương tiện truyền thanh truyền hình cũng đều phát lại lời cầu kinh. Giọng họ vi vút rất hay, có lẽ nếu các giáo sĩ này đi hát opera thì Pavarotti cũng phải lo lắng. Cả thành phố có khoảng 4 ngôi đền lớn nên đi đâu cũng nghe vang vọng tiếng kinh cầu.

Rời Begawan, tôi đi đến Bangar bằng tàu thủy để thăm Temburong, rừng quốc gia nổi tiếng của Brunei. Không hổ danh là “sleepy town”, thành phố này rất yên tĩnh và hiền hòa, khá hợp với tôi. Tại đây tôi thuê một bác tài lái xe chở dạo một vòng. Bác tài vốn là một cảnh sát cứu hỏa nhân lúc rảnh rỗi chạy kiếm thêm. Dù thu nhập họ không thấp. Một người công nhân lương trung bình đã là 1000 BND, khoảng 12 triệu đồng, sống được, với những trợ cấp rộng rãi khác của chính phủ về y tế, giáo dục. Vâng, mùa xuân của họ đến từ những giếng dầu. Một điều thú vị nữa là bác tài có 2 vợ, và luật Hồi giáo cho bác cưới … 2 vợ nữa. Tôi tự hỏi không biết có nên theo đạo Hồi không?!

Về lại Begawan, sáng ra tôi lang thang dạo mát khu làng nổi, sau khi đi hết lối mòn rậm rạp thì gặp một bức tường rào lớn chắn ngang, không muốn quay lui tôi dùng “bích hổ du tường” để vượt qua. Không ngờ gặp họa lớn. Đây chính là cung điện đang xây của nhà vua Brunei - Sultan.

Người làm vườn, vốn là một người Pakistan cho biết cung điện này cấm không cho người lạ vào. Sau một hồi giải thích năn nỉ ỉ ôi anh ta cũng đồng ý “bảo kê” dắt tôi ra cửa. Ông bảo vệ vặn hỏi tới lui, xem xét giấy tờ một hồi và cho biết hình ảnh tôi vượt rào đã bị lưu vào camera quay thường trực. Nếu bạn thấy “clip” cảnh tôi đang trèo rào cung điện hoàng gia Brunei trên Youtube thì cũng đừng ngạc nhiên.

Khi thoát ra khỏi cửa, tôi lập tức thi triển khinh công “lăng ba vi bộ” chạy càng xa lâu đài càng tốt vì biết đâu ông bảo vệ nghĩ lại bắt giữ tôi thì sao. Tôi nghiệm thấy lần nào lang thang đi bụi nước ngoài cũng gặp sự cố gì đó. Hình như “khủng hoảng du lịch” chính là điều thú vị và khó quên nhất trong những kỉ niệm trên đường lãng du của những người thích đi mây về gió như tôi. Ngoài ra tôi còn bị tịch thu mất con dao Thụy Sĩ đa năng khi lên máy bay vì để trong hành lý xách tay mà không để vào hành lý check-in (thật ra chỉ có cái balo, đâu có gì mà phải gửi...)

Cuối cùng tôi lại gặp may mắn khi Ignatius, một nhà báo kiêm chủ quán café Illy lại nhiệt tình chở tôi ra tận sân bay sau khi miễn phí tiền kem. Lần này là lần thứ ba người Bru cho tôi quá giang, và đều do họ chủ động giúp chứ tôi không hề nhờ vả (sau khi tôi hỏi đường). Tôi đoán có lẽ do xứ này quá nhỏ bé, chỉ có 300.000 dân nên ban đầu họ đều là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp... quen biết lẫn nhau nên dễ dàng cho người khác đi quá giang, lâu dần thành thói quen và trở thành một nét văn hóa riêng. "Bí kíp": bạn qua đó cứ chịu khó hỏi đường nhiều vào, thế nào cũng có người cho đi quá giang :D

Tạm biệt xứ Brunei Darussalam bé nhỏ, giàu có, đắt đỏ với những người Hồi giáo thân thiện và dễ mến. Ngoài chuyến đi, tôi còn có một kỉ niệm Bru là nhành lan tìm được trong rừng. Giờ nó đã nở hoa được một đợt. Bạn có muốn xem thử hoa phong lan Brunei?
Sài Gòn, tháng 5, 2008

Friday, February 06, 2009

Du lịch bụi: Nhật kí hành trình SOLO ĐÔNG NAM Á - Lào Thái Myanmar



Đâu là sự khác biệt giữa các quốc gia Đông Nam Á?

Photo: SF

Lần này, cũng như hầu hết các lần đi du lịch bụi các nước Đông Nam Á khác, SF lại bắt đầu chuyến hành trình một mình đi 3 nước Lào - Thái - Myanmar và đi như một Tây balo thực thụ. Trải qua hơn 2 tuần lang thang một mình mới cảm nhận thấy cái tên Lonely Planet của quyển sách kinh điển cho dân du lịch bụi quá hay.

Năm rồi SF bận rộn không đi đầu được ngòai Brunei, năm nay ngay đầu năm ngòai việc bù một nước cho năm 2008 lại may mắn đạt chỉ tiêu đi 2 nước mỗi năm. Đồng thời Lào, Thái chính là hai nước du lịch lân cận quan trọng trong nhóm các nước mà khách du lịch nước ngòai thường đi liên thông trước hoặc sau khi đến VN: Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam.

Kết quả đem về là một hiểu biết khái quát về văn hóa và con người của 3 nước trên, nâng tổng số nước ĐNA SF đã đến lên 9, chỉ còn duy nhất một Indonesia để khám phá. Một số chiến lợi phẩm khác là 4 quyển sách cực hay mua ở Chiang Mai, Bangkok, và khỏang hơn 10 người bạn mới từ khắp các nước Âu, Á Mỹ cũng như 7 seri ảnh cho các thành phố Chiang Mai, Luang Prabang, Yangoon... Không hiểu sao SF rất có hứng thú trong việc tìm hiểu và phân tích khác biệt văn hóa giữa các nước, đặc biệt từ góc độ con người và kinh tế. Chắc sau này phải làm một công việc gì đó liên quan đến khía cạnh này quá.

Ngòai ra SF còn thử đặt phòng khách sạn trực tuyến trên 2 hệ thống đặt phòng lớn trên thế giới là world hotel link và hostelworld, hai đối tác tiềm năng của Skydoor trong thời gian sắp tới.

Lần này theo dự tính lượt đi sẽ đi đường bộ, chỉ lượt về từ Bangkok - Saigon và chiều Thái - Myanmar là đi đường không.

Lào
Nếu một ngày nào đó bạn gặp chuyện buồn trong cuộc sống: thất tình, thất nghiệp, bị lừa đảo... thì hãy đến Luang Prabang ở một tuần để tìm lại niềm tin vào cuộc sống.
1.000 kíp = 2.000đ
  • Ngày 1: đi sleeping bus của Sinh Cafe từ SG ra Huế mất một ngày đêm
  • Ngày 2:
    • Đi bus ra Quảng Trị, từ Quảng Trị ra cửa khẩu Lao Bảo đi Savanakhet, từ Savanakhet đi Viêng Chăn tất cả mất thêm một ngày đêm nữa. Xem như SF trải qua 48 tiếng liền trên xe bus, quá ỏai và cũng không có thời gian đi xe. Đành phải bỏ bớt một số lộ trình đường bộ để book vé máy bay chặng Lào - Chiang Mai, Chiang Mai - Bangkok.
    • Ngồi cạnh một bác người Thái gốc Việt khỏang 70 tuổi đang về TL sau khi ở VN một tháng. Đã 50 năm rồi bác mới về lại VN. Bác này quê gốc ở đâu Hà Tây, gia đình di cư sang Lào tìm kế sinh nhai rồi sang Thái.
    • Đến Viêng Chăn lúc 1h30 sáng. Đi tìm phòng trên tuk tuk với 3 cô sinh viên người Ireland, Israel. Trời rất lạnh mà SF chỉ có quần short và áo thun.
    • Đang mùa cao điểm nên phải đi mãi 3,4 con phố mới có được một khách sạn còn phòng.
  • Ngày 3
    • Ở Viêng Chăn, thuê một chiếc xe đạp với giá 10.000kíp (20.000đ) và đi dạo quanh thủ đô Lào. Gặp khó khăn trong việc tìm đường đi vì tên đường ở các nhà mặt tiền toàn chữ Lào loằng ngoằng, chỉ đến mỗi giao lộ mới có bảng tên đường.
    • Thăm Patuxay, Pha That Luang.
    • Nói chung cũng như thủ đô Phnom Penh của Campuchia và Manila của Phi, Viêng Chăn cũng chán òm và chả có gì hay ho.
    • Đặt phòng Luang Prabang trên Internet qua website của World Hotel Link.
  • Ngày 4
    • Đi xe bus liên tỉnh đến Luang Prabang mất 11 giờ. Các bác tài xe búyt Lào là những lái xe giỏi nhất Đông Nam Á, đường ban đêm tối thui, đi trên những trườn núi ngoằn ngòeo mà họ cứ phóng vèo vèo. Đường lại hẹp chỉ đủ một làn xe, may mà không kiss phải chiếc xe nào ở phía ngược lại.
    • Đến Luang Prabang lúc 10h 30 đêm. Lần này đã thủ thế nên có sẵn phòng ở Vanvisa Guesthouse. Định cho anh chàng người Tây Ban Nha đi chung tuktuk share phòng nhưng phòng chỉ có 1 giường. Anh ta lại túc tắc đi khắp nơi tìm phòng. Sau mới biết anh ta nhất định tìm phòng giá 40.000 kip (80.000đ) và đi 1 giờ 30 phút đến 12h đêm để tìm được phòng giá đó. Tay balo rất hay ở tính kỉ luật và kiên trì với plan đã định, và thông thường họ đi du lịch rất dài ngày hàng tháng, hàng năm nên gần như bắt buộc phải tìm phòng giá bèo nhất (nhưng đặc biệt phòng lại luôn ở khu trung tâm thành phố).
  • Ngày 5
    • Ăn sáng tại Vanvisa, thử món bánh chuối của Lào
    • Tám chuyện với một nhà điêu khắc người Bỉ khỏang 60 tuổi cũng đang ăn sáng. Ông này đi du lịch với bạn gái người Latvia, khỏang ... 50 tuổi. Ms Latvia làm ở ủy ban châu Âu EC và là cố vấn nghiên cứu cho chính phủ Latvia, một số dự án của chính phủ Trung Quốc. Bình thường họ mỗi người một nơi và tâm tình với nhau qua Skype.
    • Gặp Jason - Project Manager , quản lý các website của Toyota Mỹ. Anh chàng này sống ở Los Angeles và đang thưởng thức chuyến du lịch 3 tháng đi ĐNÁ, Bắc Mỹ vì được Toyota ... sa thải sau khủng hoảng kinh tế. Vẻ mặt anh ta rất ỉu xìu và không aggressive kiểu ngừơi Mỹ tí nào, thật tội. SF dụ dỗ anh ta sang VN làm việc, anh ta bảo sẽ cân nhắc.
    • Đi bộ dạo khắp các đừờng phố Luang Prabang, khu trung tâm khá bé nhỏ nên thậm chí không cần xe đạp.
    • Dạo chợ đêm Luang Prabang, mở từ 5h chiều mỗi ngày. Đây có lẽ là thiên đường mua sắm cho các chị em mê shopping. Hàng hóa nhiều, đẹp, giá rẻ, người bán hiền hòa thân thiện và rất dễ mến.
    • Đặt phòng Chiang Mai tại hostelworld.com
  • Ngày 6
    • Dậy sớm lúc 5h30 để đi xem các nhà sư khất thực.
    • Book thử một tour đi Pak Ouk Cave và thác Tat Kuang Si giá 120.000 kíp. Cuối cùng phát hiện ra chả có tour nào, họ chỉ dẫn khách đăng kí đến bến tàu đi ra động rồi mua vé, hoặc có một xe chở khách đến thác nước.
    • Hang động và thác nước chán òm vì không có gì đặc sắc hơn ở VN.
    • Tối lại đi dạo chợ dù không mua sắm gì mấy. Lại gặp lại anh chàng Xavi người TBN và các cô sinh viên Israel, Ireland dù mỗi người mỗi ngả từ khi ở Viêng Chăn, Lào quả là thật nhỏ bé và Luang Prabang lại bé nhỏ hơn. Sau đó lại gặp anh chàng Xavi mấy lần nữa.
    • Phát hiện ra Mrs Vandara chủ Vanvisa Guesthouse là một đầu bếp nổi tiếng ở Lào với một số đầu sách dạy nấu ăn, khóa dạy nấu ăn cho người nước ngòai. Ngòai ra Vanvisa là còn trưng bày rất nhiều sản phẩm dệt truyền thống do chính nhân viên của Vanvisa đồng thời cũng là những người thợ dệt làm. Mrs Vandara vui vẻ khuyến mãi không tính tiền giặt ủi dù tính tiền chắc cũng 30.000 kip.


Thái



Điểm hội tụ của dân du lịch khắp nơi trên thế giới.
1 USD = 34,4 bath

  • Ngày 1
    • Đến Chiang Mai lúc 4h chiều. Đi xe kiểu xe lam về downtown. Bác tài biết đến VN vì VN vừa vô địch bóng đá ĐNA và hạ bệ Thái Lan.
    • Đi bộ dạo một vòng Chiang Mai, nơi đây quả là một thành phố thú vị, vừa hiện đại vừa cổ kính (với rất nhiều tháp cổ kiểu tháp chàm ở khắp nơi xen kẽ với các cao ốc), vừa yên bình lại có những khu rất sôi động và đông đúc cho du khách nước ngòai.
  • Ngày 2
    • Thuê một chiếc xe đạp đi dạo quanh. Con gái Thái quả là rất đẹp, da trắng, mũi cao, dáng thanh. Không hiểu sao dân nước nhiệt đới lại có da trắng như kiểu dân châu Âu. Chắc kiếp sau SF đầu thai làm người Thái quá!
    • Thăm Chiang Mai Art & Culture Hall. Thành phố này xưa kia gọi là Lanna và là một vương quốc riêng. Sau này các vị công chúa hoàng tử cưới hỏi lẫn nhau nên cuối cùng gom lại thành Thái Lan ngày nay.
    • Tám chuyện với ms Nick, một chủ hiệu sách gần chợ Thanin.
    • Đi xem Muay Thái, có đến 7 - 8 trận đấu với các cặp từ con nít 12 tuổi đến thanh niên, phụ nữ, người Thái, người Canađa đấu với nhau.
  • Ngày 3
    • Dạo một vòng ăn các món Thái, SF thường hay tìm các quán ăn địa phương đông khách, các quán này món ăn vừa ngon và đậm chất địa phương không pha tạp, lại vừa giá rẻ hơn các quán người nước ngòai hay ăn.
    • Thử món matxa Thái, quả là khỏe cả người sau một tuần mỏi mệt với xe búyt, xe đạp, đi bộ khắp nơi.
  • Ngày 4
    • Bay đến Bangkok, trên chuyến bay gặp Noy, một cô người Thái nhưng gốc Hoa, nhà ở Chiang Mai làm việc ở Singapore. Quả là 3 trong 1.
    • Đến Bangkok lúc 12h đêm tại đường Khao San, đường này kiểu như Phạm Ngũ Lão ở SG. Lần này đến nước nào cũng 11, 12h đêm và đến lần đầu tiên, nhưng đã rút ra được một số quy luật nên SF vẫn tìm được phòng ngay trung tâm. Bắt chước kiểu Tâybalo như anh chàng Tây Ban Nha, SF tìm được phòng với giá không thể bèo hơn (150 bath = 5 USD) sau 30 phút đi lòng vòng vì guesthouse nào cũng trưng biển FULL. Phòng chỉ có một giừờng đệm, một gối, một mắc áo, 2 cái đèn. May mắn là phòng có 2 cửa số và garden view (khá xa xỉ vì loại phòng hostel thường không có cửa sổ).
    • Sáng ra đi tuk tuk dạo vòng quanh khắp nơi. Có một điểm nổi tiếng cũng ở gần đó mà ai cũng nên đến là Grand Palace, tuy nhiên SF chưa đến vì không muốn mặc quần.... (dài) để được vào.
  • Ngày 5
    • Đi thăm ĐH Thammasat và ĐH Chulalongkorn , hai trường ĐH nổi tiếng và lâu đời nhất của Thái Lan. Các em sinh viên của Thammasat quả là rất xinh! Trương Chula thì khá giống trường ĐH Bách Khoa của SF với một sân bóng đá ngay giữa trường. Điểm khác biệt nhỏ là nó to gấp 5,6 lần trường BK và đẹp hơn nhiều :)) Cựu thủ tướng Thaksin từng học ở trường này.
    • Buổi trưa dạo quanh và nghỉ tại một công viên gần cầu Rama VIII, SF thử nằm ngủ trên ghế xem sao, thế là 5 phút sau đã có một chú cảnh sát đến gọi dậy mà không cần đồng hồ báo thức.
    • Tối đi dạo một vòng, mua mấy que thức ăn tặng 3 người bạn Nhật đang làm nghệ sĩ đường phố kiếm tiền tiếp tục du lịch. Có một anh chàng chơi ghi ta, một chơi trống rất lãng tử. Hai tên này một vác ghi ta, một vác một cái trống khá lớn đi du lịch khắp nơi, tình cờ gặp nhau tại Bangkok ráp lại thành một ban nhạc đường phố.
    • Nói chung cảm giác ở Thái rất dễ chịu: mọi người thân thiện, món ăn ngon, nhiều thứ hay ho, giá cả mềm, thảo nào rất nhiều người thích đi Thái nhiều lần. Dân Tây balo ở Khao San Road thì khỏi nói, họ ở đó như ở nhà, lúc nào cũng đông nườm nượp.
Myanmar


Nơi bạn sẽ gặp những người đàn ông giống như ... bà ngoại của bạn. Họ ăn trầu bỏm bẻm suốt ngày và mặc váy.


  • Ngày 1:
    • Tiếp tục lên máy bay AirAsia bay sang Myanmar. AirAsia là một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia mới mở gần đây nhưng quản lý rất bài bản, phát triển thương hiệu cực tốt, chắc chắn AirAsia sẽ là hãng hàng không số một châu Á và hơn thế nữa. Chiến dịch Thái Lan Sorry AirAsia đóng góp 100.000 vé miễn phí.
    • Đến Myanmar điều đầu tiên bạn nên nhớ là đừng đổi tiền ở sân bay. Thật lạ lùng, đổi 1 USD ở đây chỉ được 450 kyats, nhưng thực tế đổi ở Yangoon tỉ giá từ 1000 - 1100 kyats.
    • Khó khăn thứ hai ở Myanmar là món ăn, các món này nhìn đen đen bẩn bẩn và gia vị khó ăn. Chịu khó đi lòng vòng cũng có một vài nhà hàng có món Nhật, Thái, Hoa.
    • Nhìn chung Myanmar khá lạc hậu, hậu quả của một chính quyền đóng cửa với thế giới bên ngòai. Gmail và Yahoo mail cũng bị cấm truy cập tại đây.
  • Ngày 2
    • Đi thăm chùa Shwedagon, nơi không thể bỏ qua nếu đến Myanmar. Chùa này có cả thang máy. Vé vào chùa 5USD cho người nước ngòai!!!
    • Dạo chợ trời buổi chiều, mua được vài món đồ chơi thú vị, trong đó có một cái đèn pin năng lượng sạch: chỉ cần bóp bằng tay 1 phút nó sẽ sáng trong vòng 1h đồng hồ.
    • Lên cao ốc Sakura Tower để ngắm Yangoon từ nơi cao nhất trong thành phố.
  • Ngày 3
    • Đến Kyaiktiyo thăm Golden Rock. Lúc checkin vào nhà trọ Sea Sar gặp hai anh chàng người Anh: Wayne Rooney và Batistuta cũng đang làm thủ tục. Súyt nữa còn có cơ hội chơi bóng với hai danh thủ này...
    • Tưởng nơi đây xa nơi đô thị ồn ào, không ngờ ở đây còn ầm ĩ hơn, có một lễ hội dân tộc ngay gần đó, họ hát hò nhảy múa lên đồng suốt cả ngày. Thì ra là lễ hội quyên góp, mọi người tùy ý cho tiền vào mũ người nhảy múa. Quyên góp là một nét văn hóa ở đây. Khi đi xe ở dừng ở từng chặng sẽ có người cầm một chậu tiền ra đứng lóc xóc để nhận tiền. Tiền thu được chắc dùng đóng góp cho nhà chùa.
  • Ngày 4
    • Lên xe tải đi lên Golden Rock, không ngờ gặp được Barack Obama cũng đi cùng với 4 người bạn. Thế là SF tham gia vào nhóm của họ luôn. Lại có dịp biết thêm về văn hóa và con người Myanmar thông qua chính người dân địa phương ở đây.
  • Ngày 5
    • Ở lại đây nghỉ dưỡng và có một không gian cũng như thời gian trống để suy nghĩ mọi thứ... Đúng là lâu lâu phải trốn đến một nơi nào đó hoàn toàn cách biệt với thế giới bề bộn và sự vụ hàng ngày mới có thể có không gian suy nghĩ những việc quan trọng. Gần SG có chỗ nà
      o như thế không nhỉ???
  • Ngày 6
    • Dù có đi bốn phương trời, rồi cũng về lại Sài Gòn... vì hết tiền.



Seri ảnh

Du  lịch bụi Lào


Du  lịch bụi Thái

Du  lịch bụi Myanmar

sleepingfool@gmail.com