Thursday, December 31, 2009

Internet startup: 7 dự đoán... về Internet Việt Nam 2010

Tiếp tục chương trình R&D cho bản thân về Internet Việt Nam , tôi lại tiếp tục viết tiếp bài thứ 3. Tuy nhiên sau một hồi suy nghĩ đủ thứ chủ đề, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Quá nhiều đề tài để phân tích và đánh giá, quá nhiều điều cần phải tìm hiểu. Thôi thì bắt đầu từ yếu tố thời gian, nhân ngày cuối cùng trong năm 2009 tôi thử dự đoán về xu hướng Internet Việt Nam năm 2010.

Theo bạn, đây sẽ là năm “Đại họa” hay “Thăng hoa” của Internet VN?

Chủ đề được quan tâm nhiều nhất

1. Mobile

Nếu như năm 2006-2007 là thời thăng hoa của các công ty Internet startup thì năm 2010 có lẽ là thời “cao điểm” của vật dụng bé nhỏ trong lòng bàn tay: mobile. Mọi thứ sẽ dồn về mobile


Thế giới trong lòng bàn tay

· Danh hiệu “Võ Lâm Ngũ Bá” đã được định hình rõ ràng với vị trí bá chủ thuộc về Viettel, Mobifone, Vinaphone,…. Tuy vậy theo một nguồn tin, sẽ có một tập đoàn viễn thông của Mỹ tiếp tục “Hoa Sơn luận kiếm” với hy vọng tranh bá. Hiện tại số thuê bao di động là hơn 73.2 triệu (hết quý 1 -2009).

· Nếu như năm 2008- 2009 vị trí số một thuộc về dòng điện thoại giá rẻ dưới 2 triệu thì 2010 có lẽ vai trò này sẽ chuyển sang smartphone giá rẻ. Với hơn 50% nhu cầu thị trường quan tâm các điện thoại giá rẻ và thông minh, cùng với năng lực sản xuất của các thương hiệu di động VN và TQ như Q-mobile, F-mobile, Mobell, Welcomm, … cũng như khả năng giảm giá của Nokia, Samsung, LG… thì việc cung cầu hòa hợp không phải là điều ngạc nhiên.

· Iphone đã xác lập vị trí dòng smartphone hot nhất hiện nay. Kế đến Android mới biết đi chập chững đã chiếm khoảng 4% thị phần hệ điều hành cho di động, làn sóng này cũng đang lan dần vào VN với một số dòng của HTC. Các hãng đang phát triển mạnh ở VN như LG, Acer cũng đang chuẩn bị tung ra những chú mobile Android.

· 3G đã được 3 mạng lớn nhất triển khai. Khi mạng đã có đủ, thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng, hệ điều hành cũng đầy tiềm năng… nói chung mọi thứ đã có đủ, vậy còn thiếu gì? Đó chính là ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động và kế đó là… thói quen sử dụng những ứng dụng đó của người dùng cuối.

· Ngoài ra rất nhiều công ty Internet không giải được bài toán online payment sẽ tìm đến mobile như một cứu cánh. Liệu bài toán “thói quen người dùng Internet” chưa giải được của nhiều công ty sẽ tiếp tục lặp lại ở đề tài “thói quen sử dụng phần mềm Mobile”?

· Ứng dụng mobile với các lĩnh vực như: gaming, mobile internet, search, location-based service… đang là mảnh đất vàng chờ khai phá.

2. Facebook

Facebook thực sự là một hiện tượng của Internet VN 2009 ở khía cạnh mạng xã hội. Điều tôi muốn nói đến hiện tượng Facebook 2010 là khía cạnh marketing-platform.



Rất nhiều công ty Internet sẽ tập trung sử dụng Facebook như một nền tảng tiếp thị để có thể tiếp thị trực tiếp đến khách hàng theo kiểu vết dầu loang. Và kế đến, không chỉ các công ty Internet mà các công ty FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) sẽ đổ bộ vào Facebook với các game, các ứng dụng tiện ích giải trí để quảng bá sản phẩm của mình theo mô hình tương tác.

Đơn giản hơn, các công ty chỉ cần đăng kí quảng cáo trên Facebook, hoặc tạo fan page để tiếp cận với những khách hàng đang quan tâm những lĩnh vực, mặt hàng sản phẩm họ đang sản xuất. Lợi thế của Facebook lúc này là kho thông tin cá nhân của người dùng.

Rồi những bạn trẻ năng động chuyên bán hàng qua mạng thông qua những website như 5giay, chodientu, vatgia, 123mua … cũng sẽ tạo lập một địa chỉ tương tác như group, fanpage để bắt đầu bán hàng qua Facebook. Lúc này Facebook không chỉ là đối thủ của Zing Me.

Kế đến các lập trình viên tài giỏi muốn chứng thực tài năng, hoặc muốn bắt đầu startup với một chi phí tối thiểu thì Facebook là một nơi tuyệt vời. Không cần phải là chuyên gia về PR/Marketing, không cần tốn công sức cho SEO, chỉ cần một ý tưởng những gì bạn bè xung quanh cần, và một khả năng hiện thực ý tưởng là bạn có thể start! Thậm chí không cần tạo website riêng.

Tuy nhiên, nếu Facebook bị cấm thì đó thực sự là đại họa cho Internet VN. Cơ hội thì cũng có nhưng tôi chắc khó tận dụng được.


Kế đến, thử tiếp tục dự đoán xu hướng các khía cạnh khác

3.· Mô hình kinh doanh

Vấn đề chính của Internet VN 2009 cũng như 2008 là vấn đề mô hình kinh doanh. Kiếm tiền bằng cách nào và kế tiếp là thu tiền từ khách hàng như thế nào luôn là 2 câu hỏi lớn nhất của hầu hết các dotcom. Một khi chưa có một công cụ thanh toán trực tuyến nào có khả năng “nhất thống giang hồ”, quy người dùng về một mối thì … Nhưng thật ra online payment không phải là vấn đề chính. Vấn đề có vẻ ở tự thân của từng dotcom.

Cuối năm 2004 tôi có dịp đến Tokyo. Lúc đó tôi được biết rakuten là mạng e-commerce lớn nhất Nhật Bản. Rakuten là “hàng hóa” thì phải. Tôi hỏi “Khách hàng thanh toán bằng cách nào?” thì được biết cách phổ biến nhất vẫn là “Cash on delivery” – “thu tiền khi giao hàng tận nhà” chứ không phải thẻ tín dụng. Nhật còn như vậy thì theo bạn bao lâu việc thanh toán bằng thẻ ở VN sẽ trở nên phổ biến? Theo tôi được biết thì founder vatgia.com là người từng học tập làm việc ở Nhật về, có vẻ vatgia sẽ đi theo mô hình Rakuten. Ngoài ra Vinabook cũng đang thực hiện hình thức thu tiền kiểu này, hoặc thông qua bưu điện. Ngoài ra khá nhiều công ty Internet TQ đã có những cách thức "go offline" khá hiệu quả.

Các công ty và sản phẩm trong lĩnh vực càng gần với offline như mobile, bán sách, chứng khoán, … sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn các lĩnh vực thuần online. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty kiên quyết tử thủ để bảo vệ tinh thần “pure online” theo “kiểu Mỹ” sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Kiểu TQ chắc là hợp với VN hơn! Hãy thử tưởng tượng nếu VinaGame không có hệ thống phân phối, thu tiền offline bằng thẻ, BGĐ ngồi chờ đến khi hạ tầng thanh toán trực tuyến hoàn chỉnh, thì liệu có được một VinaGame như ngày nay?


4.· Người dùng Internet

Người dùng luôn là vấn đề dễ nhất và khó nhất. Dễ vì nhiều khi chính bạn đã là người dùng Internet, lấy suy nghĩ của bản thân bạn cũng có thể hiểu được “insight” chung của đa số.
Nhiều công ty kêu than rất khó để thay đổi thói quen của người sử dụng, cũng như làm sao để dụ dỗ họ thanh toán trực tuyến (trong đó có chúng tôi). Nhưng thực tế nhìn nhận rất nhiều công ty (trong đó có cả chúng tôi) đánh đố người sử dụng theo cách này hoặc cách khác.
Ví dụ các mạng thanh toán trực tuyến tại VN, ngay cả bản thân tôi lúc muốn dùng thử đã thấy lùng bùng, rắc rối, khó sử dụng và bất tiện thì làm sao một người không am hiểu Internet có thể thích thú nổi?
Như vậy, theo tôi năm 2010 người dùng có thay đổi hay không còn tùy thuộc vào chính bản thân các cty dotcom có tự thay đổi trước để tìm ra những cách thức sáng tạo và phù hợp thực tế hơn hay không.

5.· Nhân sự

Xu hướng dịch chuyển sẽ thể hiện rõ nét trong năm 2010. Điều này có thể do 3 yếu tố chính
1. Các tập đoàn lớn đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới
Trước sức ép ngày càng tăng của những người khổng lồ từ nước ngoài nên không còn cách nào khác, họ phải tập trung mọi nguồn lực để tự vệ. Ngoài ra họ cũng muốn tìm những nguồn thu thay thế cho mảng game online.
2. Thị trường gia công phần mềm thế giới đang dần phục hồi.
4. Khá nhiều công ty Internet do khủng hoảng phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa.


6.· Công nghệ

Cloud-computing được nhiều dự báo sẽ “hot” ở VN vào 2010, tuy nhiên theo tôi có lẽ cloud chỉ là xu hướng của thế giới. Công nghệ Internet ở VN thường đi gần với nhu cầu thực tế thị trường VN. Nên suy ra các công nghệ trên nền mobile, cụ thể là Iphone/Symbian/Android và công nghệ … viết ứng dụng trên platform Facebook sẽ có ưu thế chủ đạo.

7.· Marketing & Quảng cáo trực tuyến

Như đã nói ở phần trên, vì xu hướng Facebook trở thành marketing platform, nên các hoạt động phổ biến của Internet Marketing như SEO Google-oriented sẽ suy giảm, nhường chỗ cho các hoạt động tương tác Facebook-oriented.

Tuy các dạng SEO Google sẽ không được nhiều quan tâm như trước, nhưng quảng cáo cost-per-click của Adword sẽ nhiều khả năng trở thành một trào lưu mạnh mẽ với các công ty offline. Nếu các mạng quảng cáo lớn của VN không có được một mô hình quảng cáo mới đúng với nhu cầu của khách hàng là “hiệu quả trên chi phí” thay vì những con số Alexa, pageview bóng bẩy thì e là doanh số vốn đã không lớn của quảng cáo trực tuyến VN sẽ từ từ chạy vào túi của Google và Facebook hết.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=225923874226
--------------------------------

Bài trên chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, sẽ có sai sót hoặc thông tin chưa đầy đủ.

Bài kỳ trước: Internet startup: Bí kíp kỳ hoa dị thảo từ Kiếm hiệp Kim Dung
Bài kỳ tới: Viết gì đây?

Tuesday, December 29, 2009

Internet Việt Nam - Bí kíp Kỳ hoa dị thảo từ Kiếm hiệp Kim Dung

Mấy ngày nay thỉnh thoảng tôi có dịp tái ngộ với bộ phim Anh hùng xạ điêu trên kênh HTV7 vào lúc 11h15 buổi tối. Bộ phim với những tình tiết rượt đuổi hồi hộp và gay cấn giữa những nhân vật nổi danh giang hồ như Tây độc Âu Dương Phong, Hoàng Dung, Quách Tĩnh… khiến tôi nhớ lại ngày xưa khi tôi mới bắt đầu đọc tiểu thuyết Kim Dung.


Thần điêu đại hiệp Dương Qua và Tiểu Long Nữ

Tiếu ngạo giang hồ

Lúc đó cách đây khoảng 7,8 năm. Bộ đầu tiên tôi đọc là Tiếu ngạo giang hồ. Dạo đó sau khi làm việc tôi thường ở lại công ty, và ngủ tại đó luôn. Không phải chuyện lạ, vì có tới 3,4 bạn đồng nghiệp khác của tôi cũng ở lại công ty. Sau khi đọc hết hơn 100 chương của Tiếu ngạo giang hồ, đã “quen biết” thân tình với Lệnh Hồ Xung thì tôi tiếp tục “luyện” tiếp Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, … Nhưng thật ra lần đầu tiên tôi biết đến các câu chuyện của Kim Dung là hồi nhỏ khi xem bộ phim Võ Lâm Ngũ Bá.

Quả là rất khó tránh nổi cám dỗ chết người từ những câu chuyện có sức hút kì lạ của Kim Dung. Ông luôn có cách đưa đẩy người đọc đi theo nhân vật vào những tình tiết kịch tính đến tột cùng. Chẳng hạn Thần điêu Đại hiệp Dương Quá vì một mối ân tình khó phai và dòng chữ hiểu nhầm đã chờ đợi, tìm kiếm Tiểu Long Nữ đến gần 20 năm trời mới gặp được trong Tuyệt Tình Cốc. Hay Nhạc Bất Quần – sư phụ của Lệnh Hồ Xung thậm chí ngay cả việc “tự hoạn” ông ta cũng dám làm chỉ để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ. Rồi Vi Tiểu Bảo trên đường hộ tống công chúa Kiến Ninh đi Vân Nam cưới con Ngô Tam Quế đã “yêu” luôn công chúa, sau đó Vi Tiểu Bảo có tổng cộng 7 cô vợ đều là giai nhân tuyệt thế và vài cô võ công thậm chí cao cường hơn Vi Tiểu Bảo nhiều.

Lúc đó tôi không thể cưỡng lại sức cám dỗ từ các bộ truyện nhiều tập của Kim Dung, buổi tối nhiều hôm tôi thức đến 2,3 giờ sáng mà rất khó dứt ra được, chỉ để đọc các trường thiên tiểu thuyết này. Sau vài tháng tôi đã tu luyện xong tất cả 15 bộ Kim Dung, mỗi bộ từ 70 – 150 chương, mỗi chương vài chục trang. Lúc đó tôi cũng tự bái phục “nội công thâm hậu” của mình J Trước đó tôi từng nghĩ chắc chả có thứ gì ghê gớm mà thu hút mình đến nỗi không thể dứt ra được như vậy. Cuối cùng tôi đã có thực chứng!

Sau này thấy rất nhiều người mê đắm điên đảo game Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK), tôi cũng có thể hiểu được đôi phần và “đồng cảm” với các “đồng đạo” võ lâm này, dù tôi chưa có cơ hội chơi VLTK lần nào. Có thể nói Kim Dung là “anh hùng tạo thời thế”, ông không chỉ tạo ra thời thế, mà tạo ra cả một thế giới mới mà hàng chục triệu người say đắm, hàng trăm công ty có thể “ăn theo” và tạo đà chạy cho cả một nền công nghiệp game online của VN (VLTK của Vinagame, Thiên Long Bát Bộ của FPT), rồi kế tiếp là cả ngành Internet VN. Tuy game online có những mặt trái của nó, nhưng dù sao cũng phải “Cám ơn Kim Dung”!

Phát hiện võ lâm bí kíp

Sau khi luyện hết 15 bộ Kim Dung, hồi tưởng lại, bỗng dưng tôi thấy một phát hiện thú vị. Đó là tất cả các nhân vật của Kim Dung đều rất trẻ, và họ gặt hái thành công từ rất sớm. Thú vị kế tiếp là dường như có một công thức chung cho cả bọn họ, mà tôi gọi đó là “Bí kíp kỳ hoa dị thảo”.


Lệnh Hồ Xung & Nhậm Doanh Doanh

Quách Tĩnh dường như có kỳ duyên với hầu hết các guru trong 5 ngũ bá võ lâm. Anh là đệ tử Bắc Cái Hồng Thất Công, bạn thân của Châu Bá Thông, con rể Đông tà Hoàng Dược Sư. Quách Tĩnh tuy tính cách khờ khạo nhưng có một ngộ tính rất cao về võ học và có thể học được những loại công phu khó nhất như Giáng Long Thập Bát Chưởng, hay Cửu âm Chân kinh. Tương tự là Lệnh Hồ Xung, chỉ trong 3 ngày Hồ Xung đã thẩm thấu được Độc cô cửu kiếm từ Phong Thanh Dương. Sau đó Lệnh Hồ Xung còn được một cao thủ truyền 50 năm công lực, nuốt nhầm một loại rắn cực độc (tôi không nhớ tên) mà sau đó công lực lại tăng thêm mấy thành, không sợ độc chất làm hại nữa.

Hay như Vi Tiểu Bảo, nhân vật đặc biệt nhất trong các nhân vật chính của Kim Dung, võ công vốn thường thường bậc trung, nhưng lại có khả năng ứng biến cực hay. Vi Tiểu Bảo có hai mối quan hệ thay đổi cuộc đời, một là tình bạn với vua Khang Hy, hai là ân tình với bang chủ Thiên Địa Hội – Trần Cận Nam. Hai nhân vật lớn đối địch nhau nhưng lại đều là chỗ thâm giao của Vi Tiểu Bảo.

Đi tìm “Kỳ hoa dị thảo”

Bí kíp Kỳ hoa dị thảo có 3 thành tố chính

1. Nhân vật tự thân phải có “ngộ tính” cực cao về võ học.
2. Nhân vật có “sư phụ” là bá chủ giang hồ hoặc là người thân của một võ lâm bang chủ nào đó.
3. Nhân vật tình cờ rơi xuống cốc thẳm, kỳ duyên nhặt được nhân sâm ngàn năm.

Nói thế không phải tôi xúi bạn lang thang lên Tây Nguyên hay Mộc Châu để tìm hang sâu núi cao đâu nhé. Càng không phải tôi xúi bạn đi tìm cưa cẩm con gái của một đại tỉ phú nào đó, vì Hoàng Dung yêu Quách Tĩnh vì QT … khờ chứ không phải vì QT khôn, Nhậm Doanh Doanh con Nhậm Ngã Hành mê Lệnh Hồ Xung vì lương duyên trời định chứ không phải “người định”. Coi chừng phản tác dụng!

Nhìn lại ngành công nghiệp Internet thế giới, có vẻ bí quyết này cũng ứng nghiệm không ngờ với những nhân vật lớn. Bill Gates nếu không mua lại “Cửu âm chân kinh” Q-DOS từ Tim Paterson của Seattle Computer, không được đại sư phụ IBM đỡ đầu thì liệu có một Microsoft độc bá như vậy không? Các Google founder sau rất nhiều lần thất bại, nếu không gặp Andy Bechtolsheim – Co-founder của Sun Microsystems bỏ 100.000$ đầu tư mạo hiểm, không mời được Eric Smith lúc đó là CEO của Novell về làm CEO thì có phát triển mạnh như ngày nay?


Ngay như Zuckerberg của Facebook, nếu không nhặt được “nhân sâm ngàn năm”, một sự may mắn nào đó khiến cho sản phẩm bắt đúng nhu cầu của hàng trăm triệu người toàn cầu, thì cũng khó trở thành một hiện tượng như vậy.

Chuyện may mắn có vẻ không khoa học lắm, nhưng tôi từng đọc một bài viết của một vị trưởng khoa quản trị kinh doanh của học viện công nghệ Massachuset (MIT). Ông này đã nghiên cứu về thành công của rất nhiều doanh nghiệp Internet của Mỹ và rút ra kết luận “May mắn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu”.

Còn tại Việt Nam thì sao, theo bạn bí kíp “Kỳ hoa dị thảo” có đúng với những công ty hay tập đoàn đã rất thành công?


Bài kỳ trước: 2009 – Chặng đường đã qua

Thursday, December 24, 2009

2009 - Chặng đường đã qua!





 Thursday, December 24, 2009 at 4:30pm

Cách đây khoảng 6 tháng, tôi đã dự định viết một một số bài về thị trường Internet VN, tuy nhiên do không có thời gian nên đành hoãn lại. Bây giờ một số công việc đã hoàn tất nên mọi thứ cũng thư thả hơn nên tôi có thể bắt đầu lại dự định cũ mà vẫn mới (với tôi) .

Mục đích viết của tôi đơn giản là nhìn lại những gì đã qua để rút kinh nghiệm, tôi xem những bài viết như là một công cụ R&D của bản thân cần được lưu trữ lại một cách hệ thống. Đồng thời chúng cũng là nơi đón nhận, học hỏi những ý kiến và góc nhìn khác nhau của những đồng nghiệp, các nhà quản lý trong lĩnh vực Internet, nơi để chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có mong muốn startup nhưng chưa bắt đầu. Mục tiêu tôi sẽ viết được mỗi tuần ít nhất một bài, và duy trì tần suất này trong vòng 3 tháng đầu năm 2010.




Có thể định nghĩa Internet startup là mong muốn xây dựng một “đế chế” chỉ với vài con người, một… mớ bàn tay trắng và một niềm tin mạnh mẽ, đồng thời bắt đầu với một ý tưởng. Càng làm tôi càng thấy ý tưởng thật sự… không hề quan trọng. Theo chủ quan của tôi, ý tưởng chỉ chiếm chừng 5-10% của thành công, dĩ nhiên ngữ cảnh đang nói ở khu vực VN, không xét ở Mỹ. Quan trọng là việc thực hiện ý tưởng đó đến cùng. Trong đó niềm tin mới là điều mấu chốt, niềm tin có thể lúc trồi lúc sụt nhưng quan trọng là phải giữ vững niềm tin. Nhưng niềm tin do con người quyết định, nên cuối cùng con người mới là quan trọng nhất.

Đi tìm thiên thời…

Có con người và niềm tin, nhưng nếu bạn hành động mù quáng theo niềm tin mà không cân nhắc trước sau thì mọi người sẽ nói là “không biết theo thời thế”. Quả đúng vậy, tôi càng thấm thía câu của ông bà ta dạy “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Có nhân hòa mà chưa có thiên thời, địa lợi thì cực kì khó khăn để thành công. Sau này tôi còn thấm hơn một câu khác cũng của ông bà truyền lại “Tu thân, tề gia, trị quốc…”. Mọi thứ đều có một thứ tự nhất định, nếu bạn muốn lội ngược dòng thì sẽ cực kì khó khăn. Xưa nay chỉ có “Thời thế tạo anh hùng” còn “Anh hùng tạo thời thế” chắc ngàn năm khó kiếm một người. Bạn muốn đóng vai nào?

Thiên thời là gì, với Internet có lẽ minh họa cụ thể là thời bong bóng dotcom ở Mỹ 1999. Trước đó hầu hết các công ty Internet đều được tôn vinh, công ty nào lên sàn giá cũng tăng vùn vụt đến chóng mặt. Ai ai cũng đổ xô vào các dotcom, nếu không tự lập dotcom thì cũng tranh thủ mua cổ phiếu hoặc bỏ vốn đầu tư vào các công ty dotcom. Mọi thứ đều dễ dàng với các dotcom từ nhân sự, huy động vốn, tiếp thị… Sau đó mọi thứ đều sụp đổ. Trước hay sau bong bóng đều có thời của nó, dù là thời thăng hoa hay thời đại họa.

Ở VN thì chưa cụ thể như thế, nhưng giai đoạn 2006-2007 cũng là năm mà rất nhiều các công ty Internet được thành lập và thu hút nhiều sự chú ý. Năm 2009 thì hầu như không thấy bóng dáng ai? Tuy nhiên tôi nghĩ công ty nào thành lập trong lúc này sẽ có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Vì ít nhất những founder sẽ có một sự chuẩn bị thật tốt và một niềm tin rất lớn mới có thể dám bắt đầu lúc này. Bạn có nghĩ vậy không?

Đâu là địa lợi?

Địa lợi là gì? Địa lợi có thể là lĩnh vực bạn chọn để bắt đầu, địa là đất - vùng đất để bạn “kiếm ăn”. Nếu bạn chọn đúng lĩnh vực “ngon ăn” thì dù bạn đứng ở vị trí thứ 4,5 bạn vẫn có thể sống tốt. Nếu chọn không đúng thì đứng số 1 vẫn chưa tới đâu. Ví dụ ở VN là game online. Trừ 3 nhà phát hành game lớn nhất là VinaGame, FPT, VTC thì một số nhà cung cấp game nhỏ hơn vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận. Hay ngoài đời, các ngành như dầu khí, viễn thông, tài chính đều có trung bình thu nhập cao gấp 3, 4 lần so với các ngành khác. Có thể nói nếu làm ở ngành dầu khí, dù khả năng bạn ở mức trung bình bạn cũng có thu nhập bằng một người giỏi ở lĩnh vực khác. Thậm chí ở TQ tỉ lệ khác biệt giữa các ngành là 10 lần .

Tuy nhiên địa lợi vẫn đi sau thiên thời. Chẳng hạn thu nhập từ ngành viễn thông trong khối nhà nước (trừ các đại gia mạng viễn thông) đang có xu hướng giảm từ nhiều năm nay. Nếu bây giờ bạn nhảy vào ngành Game Online thì tôi không chắc kết quả sẽ thế nào. Ngay cả VinaGame còn phải đa dạng hóa lĩnh vực chứ không thể tập trung vào nồi cơm Thạch Sanh là game thì… Ai biết được 3-5 năm tới lĩnh vực nào sẽ có “thiên thời”? Theo bạn là lĩnh vực nào?

Chặng đường đã qua!

Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy không dài (từ T3/08) nhưng cũng lắm gian nan. Những ai đã thực sự khởi nghiệp hẳn đều biết khoảng thời gian 2 năm đầu luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Giai đoạn này tôi và các bạn sáng lập Skydoor trải qua đủ mọi cảm xúc từ tuyệt đỉnh thăng hoa đến thất vọng cùng cực, đôi lúc có thể gọi là tuyệt vọng :)

Có thể nói startup là một lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, luyện một hồi “đan” ra có tốt không thì chưa biết, nhưng ít nhất bạn trở nên chai lỳ hơn và phải đối phó với rất nhiều vấn để ở nhiều khía cạnh và mức độ “trầm trọng” khác nhau. Có những lúc chúng tôi phải đối diện với sự từ chối hàng loạt của đối tác, khách hàng, nhà đầu tư. Sản phẩm thì chưa hoàn thiện… Lúc nào tôi cũng ở trong một tâm trạng mơ hồ vì chưa có thứ gì cụ thể rõ ràng cả. Có một thời gian dài tôi không chợp mắt buổi trưa được dù chỉ 5-10 phút, buối tối thì rất khó đi vào giấc ngủ, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về hướng đi sắp tới của tổ chức, mô hình kinh doanh thế nào, ai sẽ thực hiện… (nhưng chỉ 2,3 giờ sáng là ngủ vì… mệt quá, không tội gì thức trắng đêm :P).

Đó chưa phải là điều tệ nhất, vấn đề bên ngoài chưa hết thì vấn đề bên trong nảy sinh, mâu thuẫn nội bộ giữa những người sáng lập vì khác biệt về quan điểm, góc nhìn, cách thức làm việc… Mâu thuẫn phát sinh, tranh luận bùng nổ… Tuy nhiên theo tôi điều này là rất bình thường mà bất cứ startup hay nhóm làm việc nào cũng có thể gặp phải.

Đó cũng chưa phải là điều tệ nhất. Chuyện tổ chức chưa xong thì chuyện cá nhân phát sinh. Ngay cả chuyện tình cảm cũng có vấn đề. Mối quan hệ giữa tôi và bạn gái bị break up. Dĩ nhiên các khó khăn của startup không phải là vấn đề chính, nhưng nó cũng là chất xúc tác góp phần gia tăng “tốc độ” chia tay. Anh hùng thì chưa làm được, nhưng mỹ nhân đã không còn. Thậm chí một thời gian sau tôi bị “chai” luôn cảm xúc, không có cảm giác gì hết. Vẫn chưa hết, cùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, phần vốn đầu tư bên ngoài ở một lĩnh vực khác của tôi đã “bốc hơi” 60-70%, bình thường nếu đi làm một khoảng thời gian dài tôi cũng khó gỡ lại vốn cho phần mất đi này.

Đây là lúc tôi thấm thía nhất câu “tu thân, tề gia, trị quốc…”. Bài học từ thực tế lúc nào cũng đáng giá hơn lý thuyết, hay những bài học do người khác nói ra. Dẫu tôi đã dự tính trước rất nhiều khó khăn từ khi chưa bắt đầu, nhưng quả thật dù óc tưởng tượng phong phú đến mấy tôi cũng không hình dung hết được mọi thứ như thế này.

Lúc này tôi giống hệt “người hùng” trong câu nói của một chuyên gia đầu tư tôi vừa nghe gần đây “Bạn khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, và gầy dựng nên… một đống nợ”… Mọi thứ rồi cũng ổn. Dĩ nhiên không phải điều gì cũng được giải quyết xong, nhưng ít nhất tôi học được cách chấp nhận thực tế, dù thực tế có rất tồi tệ. Có những điều bạn không thể thay đổi, có những điều bạn phải chấp nhận, có những điều phải có thời gian và bạn phải kiên nhẫn.

Uhm, tới đây chắc bạn bắt đầu tội nghiệp cho tôi. Mọi thứ có vẻ “thảm thiết” quá. Mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu? Vậy tôi được gì? Kể từ dạo đó, mọi thứ đã trở nên tốt hơn, dù với Skydoor nói riêng và Internet VN nói chung mọi thứ còn đang ở phía trước, nhưng tôi cũng đã “tranh thủ” thu lượm được không ít thứ.

Gặt hái thành quả

1. Kinh nghiệm & trải nghiệm

Đây là một tài sản vô giá mà khủng hoảng kinh tế có trở lại cũng không lấy mất của tôi được. Đó là điều mà bạn phải nhảy vào thực tế bạn mới trải nghiệm được. Có trải nghiệm bạn mới tin được! Có rất nhiều điều mà trước khi bắt tay làm, những người đi trước nói tôi không hề tin. Tôi vẫn nghĩ: tại sao không làm thế này, tại sao không làm thế kia? Nếu là tôi, tôi sẽ làm ý tưởng này, ý tưởng nọ...blah blah blah…. Dù tôi từng có kinh nghiệm làm business riêng (nhưng không phải lĩnh vực Internet). Niềm tin được kiểm chứng tốt nhất từ thực tế.

Khi bạn phải làm một điều gì đó với mọi nguồn lực đều hạn chế, và đối diện với đủ thứ vấn đề từ linh tinh hàng ngày tới chiến lược cao xa hàng năm trời và phải xử lý hàng đống thứ không phải chuyên môn của bạn thì rất khó để so sánh với việc làm trong một hệ thống lớn và bạn chỉ phải lo chuyên môn của mình, mọi thứ khác đã có người khác lo. Vì thế tôi nghĩ một trong những khó khăn lớn nhất của startup là “Giải quyết các nguồn lực” và “Chuyên môn hóa”.

2. Đối tác và bằng hữu

Lại một điều khác mà thực tế mới chứng minh được. Chỉ khi bạn làm việc với những người khác một thời gian đủ dài bạn mới biết được họ rõ hơn, bất kể người đó là mới quen hay là bạn thân của bạn từ rất lâu rồi đi nữa. Và thời gian cũng chính là điều quan trọng để bạn có những đối tác và bằng hữu tốt mà bạn không thể “skip” qua nó.

Khi bạn làm việc với những co-founder khác bạn sẽ biết thêm nhiều điểm mạnh của đối tác mà những người khác không thấy, và cả một số điểm yếu nữa. Đồng thời chính bạn cũng bộc lộ những điểm yếu mà nhiều khi bạn cũng không để ý nếu chưa bắt tay vào việc. Tôi may mắn nhìn ra thêm những điểm yếu lớn của mình, mà để tiếp tục đi tiếp con đường Internet bắt buộc tôi phải tự hoàn thiện.

Tất nhiên ai cũng có nhiều điểm yếu, nên tôi chỉ quan tâm tới những điểm yếu không thể bỏ qua, còn một số khác tốt nhất nên để tâm vào nguyên tắc “chuyên môn hóa” và tập trung vào những điểm mạnh của mình thì hơn.

Không có cá nhân hoàn hảo, chỉ có một team hoàn hảo. Không có một team – một êkip làm việc tốt, bạn sẽ chẳng làm được gì trong thời đại này. Chúng tôi còn phải làm nhiều điều để hoàn thiện team mình theo thời gian.

3. Sản phẩm & người sử dụng

Dù giao diện Skydoor vẫn chưa hoàn thiện và hơi khó sử dụng, nhưng đến nay đã có không ít người sử dụng thân thiết và khá nhiều công ty du lịch sử dụng sản phẩm này như một công cụ chuyên môn. Về mặt cấu trúc thông tin, Skydoor đang có một database được tổ chức rất tốt. Xét về số lượng người dùng, Skydoor là một trong ba site thông tin du lịch có lượng truy cập nhiều nhất VN.

Điều thú vị và cũng là giải thưởng lớn nhất mà những người làm startup hay những ai đang hiện thực một sản phẩm Internet có được, tôi nghĩ là khi có những người sử dụng thực sự yêu thích sản phẩm của mình. Nếu bạn đạt được điều này, những thứ khác rồi sẽ đến. Chúng tôi đã có được… một phần nho nhỏ, vấn đề là phải đi tìm nốt phần còn lại :P

Ngoài ra giải thưởng NTĐV 2008 mà sản phẩm này đem lại đã giúp chúng tôi có thêm “chút gì để nhớ” đối với mọi người, nhất là giới công nghệ. Dù nhiều khi “nhớ” là bị ghét chứ chả phải thương :) Điều này nhờ công sức rất lớn của Ngôn Phạm – đối tác trong hành trình Skydoor của tôi.

4. Quan hệ

Cùng với thời gian thực hiện Skydoor, tôi đã có thêm khá nhiều mối quan hệ, từ bạn bè, đồng nghiệp Internet, quỹ đầu tư, báo chí trong và ngoài nước… Điều này giúp tôi có thêm “insight” của hầu hết các nhóm ngành có liên quan trong lĩnh vực Internet. Ở VN nếu muốn làm ăn trong bất kì lĩnh vực nào cũng không thể thiếu quan hệ.

5. Tương lai

Biết nói thế nào nhỉ, trong lĩnh vực Internet ngay cả Facebook có tới 300 triệu người dùng, Twitter lừng danh cả thế giới, hay như Zing vốn không thiếu tiền mà còn chờ vào tương lai thì tôi cũng phải hy vọng vào tương lai thôi. Vì thế những người đầu tư trong lĩnh vực Internet mới gọi là “đầu tư mạo hiểm”. Nếu thấy kết quả ngay thì đâu có gì là “mạo hiểm” phải không bạn?



Bài & comment trên Facebook http://www.facebook.com/note.php?note_id=215758734226

Sunday, December 13, 2009

Mozilla (Firefox) quan tâm gì ở Việt Nam và Đông Nam Á?

 Sunday, December 13, 2009 at 11:31pm

Tối qua tôi và vài người bạn có một buổi trao đổi Gen Kanai, GĐ Phát triển khu vực Châu Á của Mozilla. Gen là người Mỹ gốc Nhật, trước khi làm việc ở Mozilla anh đã làm việc ở Sony, Toyota. Mục đích chuyến đi VN của Gen là lấy thông tin phản hồi của người dùng VN về Firefox Vietnamese (FFV), khảo sát thị trường Internet Vietnam và xúc tiến một số hoạt động của Mozilla tại VN.




Lần này Gen đến VN khoảng 6 ngày, 3 ngày ở Sài Gòn và còn lại ở HN. Ở SG anh gặp một vài Internet entrepreneur và Web/mobile developer cũng như quỹ đầu tư, tham dự BarCamp. Ra HN anh làm việc với Bộ VHTT và Bộ Giáo dục, về phía công ty có thể sẽ làm việc với FPT.

Một số quan tâm của Gen

* Firefox & Firefox Mobile
o Phản hồi về FFV 3.5
o Những đối tượng nào hay sử dụng Firefox nhất?
o Khi nào thì một người dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng Firefox?
o Những đối tượng tiềm năng sử dụng Firefox Vietnamese.
o Mọi người có sử dụng Thunderbird (tương tự Outlook) hay không?
o Hiện giờ người VN hay sử dụng những loại email client hay Internet mail nào? Tại sao?

* Thị trường VN
o Ecommerce ở VN hiện đã tới giai đoạn nào? Đâu là các website E-commerce phổ biến nhất VN hiện nay?
o Các trường đào tạo CNTT (mức phổ cập) hiện nay dạy những gì, có những môn gì liên quan Internet?
o Ở VN có những hoạt động, triển lãm, sự kiện gì trong lĩnh vực Internet?
o Các nhãn hiệu mobile phổ biến và phân khúc giá các loại smartphone tại VN.
o Tình hình các mạng di động lớn nhất của VN?
o ...


Một số thông tin do Gen cung cấp

* Indonesia là nơi có người dùng Firefox lớn nhất Châu Á. Thị phần Firefox Indo lên đến 60-70%. (Tôi hỏi phải chăng Mozilla có nguồn gốc Muslim thì Gen nhất quyết không chịu đồng ý!!)
* Việt Nam là nơi thị phần của Firefox tăng trưởng nhanh nhất ĐNA. Thị phần Firefox VN hiện giờ khoảng 30%.
* Trong ĐNA Firefox cũng quan tâm đến Thái Lan, Philippines.
* Trung Quốc là nơi thị phần của Firefox ẹ nhất châu Á, chỉ được 2-3%. Đa số bị độc chiếm bởi IE, kế đó là China 360 (một local browser dùng IE engine). Có vẻ VN cấp tiến hơn TQ nhiều trong việc dùng phần mềm mã nguồn mở.
* Do Mozilla là tổ chức phi lợi nhuận, nên hầu hết các dịch vụ của Mozilla đều không thu phí, hiện doanh số chính của Mozilla đến từ việc các công ty trả tiền để được "set as default service" trên Firefox. Hiện giờ tiền từ Google là nguồn thu chính của Mozilla


Ngoài ra

* Do Mozilla là một social entereprise, nên khi làm việc tại Mozilla, Gen có cảm giác mình đang đóng góp vào việc phát triển xã hội, làm cho công việc ... lướt web của mọi người dễ dàng và tốt đẹp hơn.
* Gen rất thích thú khi nhắc đến Pencil, một phần mềm từng đoạt giải nhất cuộc thi "Extend Firefox Contest 2008 ". Điều thú vị là phần mềm này do Dương Thành An - một cựu sinh viên Bách Khoa MT97 phát triển. Hiện giờ Pencil đã có đến 260.000 lượt download.


Tóm lại, dạo này có vẻ các tập đoàn Internet thế giới bắt đầu quan tâm hơn đến khu vực ĐNA nói chung cũng như VN nói riêng.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp Internet của chúng ta.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=199967229226

Tham khảo

* Hình Gen tại BarCampSaigon: http://twitpic.com/tbmg6 (by Khánh Lê)
* Bài viết liên quan: Internet Việt Nam - Một góc nhìn bên ngoài chiếc hộp

Bài & comment trên Facebook http://www.facebook.com/note.php?note_id=199967229226

sleepingfool@gmail.com