Chiếc xe hơi lăn bánh chở tôi tiến vào thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei cũng là lúc tôi nhận được sự hiếu khách đầu tiên của người dân xứ này. Sau đó anh chàng chủ xe vốn là huấn luyện viên pencat- silat rất nhiệt tình tìm giúp khách sạn dù lúc đó đã hơn 12h đêm.
Đường phố Brunei lúc hơn 8h sáng.
Trong khu chợ ven sông.
Ven sông những chiếc “water taxi” đang sẵn sàng xuất bến để chở du khách đến khu làng nổi gần đó. Những người lái “taxi” có vẻ rất sành điệu và chắc là không bị ... bắn tốc độ nên phóng nhanh một cách đáng ngạc nhiên trên sông.
Khu làng nổi Kampung Ayer là một nơi không thể bỏ qua, cũng như cái tên gán ghép mỹ miều “Real Venice” của châu Á. Không phải là Venice chính hiệu “made in Italia” nên họ phải gắn thêm chữ Real cho thêm phần ấn tượng. Điều thú vị là có cả hệ thống nước máy, điện ra tận nơi. Con đường chính làm bằng các tấm gỗ ghép lắp trên cọc bê tông, thỉnh thoảng lại có một “con hẻm” rẽ nhánh vào một “biệt thự” nào đó. Sách du lịch bụi Lonely Planet mô tả khu này là “bạn có thể đi thẳng vào nhà bếp ai đó lúc nào không hay”.
Làng nổi Kampung Ayer.
Đi xuyên qua Kampung Ayer, tôi định hướng bằng ngọn chóp vàng của tòa “bảo tháp” Omar Ali Saifuddien Mosque – một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất Brunei. Bỗng tôi giật mình vì tiếng cầu kinh cất lên vang dội khắp nơi trong thành phố. Mỗi ngày họ cầu kinh 5 lần từ sáng đến chiều tối. Mỗi lần cầu kinh thì tất cả các phương tiện truyền thanh truyền hình cũng đều phát lại lời cầu kinh. Giọng họ vi vút rất hay, có lẽ nếu các giáo sĩ này đi hát opera thì Pavarotti cũng phải lo lắng. Cả thành phố có khoảng 4 ngôi đền lớn nên đi đâu cũng nghe vang vọng tiếng kinh cầu.
Rời Begawan, tôi đi đến Bangar bằng tàu thủy để thăm Temburong, rừng quốc gia nổi tiếng của Brunei. Không hổ danh là “sleepy town”, thành phố này rất yên tĩnh và hiền hòa, khá hợp với tôi. Tại đây tôi thuê một bác tài lái xe chở dạo một vòng. Bác tài vốn là một cảnh sát cứu hỏa nhân lúc rảnh rỗi chạy kiếm thêm. Dù thu nhập họ không thấp. Một người công nhân lương trung bình đã là 1000 BND, khoảng 12 triệu đồng, sống được, với những trợ cấp rộng rãi khác của chính phủ về y tế, giáo dục. Vâng, mùa xuân của họ đến từ những giếng dầu. Một điều thú vị nữa là bác tài có 2 vợ, và luật Hồi giáo cho bác cưới … 2 vợ nữa. Tôi tự hỏi không biết có nên theo đạo Hồi không?!
Về lại Begawan, sáng ra tôi lang thang dạo mát khu làng nổi, sau khi đi hết lối mòn rậm rạp thì gặp một bức tường rào lớn chắn ngang, không muốn quay lui tôi dùng “bích hổ du tường” để vượt qua. Không ngờ gặp họa lớn. Đây chính là cung điện đang xây của nhà vua Brunei - Sultan.
Người làm vườn, vốn là một người Pakistan cho biết cung điện này cấm không cho người lạ vào. Sau một hồi giải thích năn nỉ ỉ ôi anh ta cũng đồng ý “bảo kê” dắt tôi ra cửa. Ông bảo vệ vặn hỏi tới lui, xem xét giấy tờ một hồi và cho biết hình ảnh tôi vượt rào đã bị lưu vào camera quay thường trực. Nếu bạn thấy “clip” cảnh tôi đang trèo rào cung điện hoàng gia Brunei trên Youtube thì cũng đừng ngạc nhiên.
Khi thoát ra khỏi cửa, tôi lập tức thi triển khinh công “lăng ba vi bộ” chạy càng xa lâu đài càng tốt vì biết đâu ông bảo vệ nghĩ lại bắt giữ tôi thì sao. Tôi nghiệm thấy lần nào lang thang đi bụi nước ngoài cũng gặp sự cố gì đó. Hình như “khủng hoảng du lịch” chính là điều thú vị và khó quên nhất trong những kỉ niệm trên đường lãng du của những người thích đi mây về gió như tôi. Ngoài ra tôi còn bị tịch thu mất con dao Thụy Sĩ đa năng khi lên máy bay vì để trong hành lý xách tay mà không để vào hành lý check-in (thật ra chỉ có cái balo, đâu có gì mà phải gửi...)
Cuối cùng tôi lại gặp may mắn khi Ignatius, một nhà báo kiêm chủ quán café Illy lại nhiệt tình chở tôi ra tận sân bay sau khi miễn phí tiền kem. Lần này là lần thứ ba người Bru cho tôi quá giang, và đều do họ chủ động giúp chứ tôi không hề nhờ vả (sau khi tôi hỏi đường). Tôi đoán có lẽ do xứ này quá nhỏ bé, chỉ có 300.000 dân nên ban đầu họ đều là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp... quen biết lẫn nhau nên dễ dàng cho người khác đi quá giang, lâu dần thành thói quen và trở thành một nét văn hóa riêng. "Bí kíp": bạn qua đó cứ chịu khó hỏi đường nhiều vào, thế nào cũng có người cho đi quá giang :D
Tạm biệt xứ Brunei Darussalam bé nhỏ, giàu có, đắt đỏ với những người Hồi giáo thân thiện và dễ mến. Ngoài chuyến đi, tôi còn có một kỉ niệm Bru là nhành lan tìm được trong rừng. Giờ nó đã nở hoa được một đợt. Bạn có muốn xem thử hoa phong lan Brunei ?