Tuesday, November 24, 2009

Hậu Yes 2009: Tại sao Việt Nam chưa có những công ty toàn cầu như Malaysia ?

Tuesday, November 24, 2009 at 9:36pm 

Trở về từ Yes 2009 tuần rồi ở Kuala lumpur, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Một phần vì ấn tượng trước những chia sẻ trực tiếp của những diễn giả tầm cỡ thế giới mà đây có lẽ là dịp hiếm có để nghe họ nói chuyện. Phần khác vì đây là lần trở lại KL lần thứ hai kể từ 2006. KL vẫn thế, không thay đổi nhiều, vẫn những tòa tháp cao tầng đồ sộ, vẫn tháp đôi Petronas cao chọc trời. Nhưng ấn tượng vì con người Malaysia và các tập đoàn của Malaysia thì lại mạnh mẽ hơn.

Trong “định kiến” của tôi, Malaysia chỉ là một nước láng giềng ĐNA chỉ hơn VN chút ít, không giàu có như Brunei, con người không nổi bật như Singapore. Nhưng thực sự định lượng lại thì họ hơn VN quá xa. Không cần xa xôi gì, chỉ cần xét hệ thống tàu điện ngầm, mono rail, xe lửa công cộng của họ , có lẽ VN muốn xây được một hệ thống như vậy chỉ riêng việc giải tỏa thi công bét ra cũng phải hơn 10 năm, chưa tính đến việc có tiền làm hay không.

Điểm qua vài tập đoàn lớn

Tháp đôi Petronas do tập đoàn cùng tên xây dựng với tổng chi phí 1,2 tỉ USD. Petronas nằm trong Fortune 500 với chi nhánh ở hơn 30 nước trên thế giới. Sime Darby là một nhà tài trợ chính của Yes 2009. Theo brochure của họ, Sime Darby là công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Malaysia với vốn hóa 41.76 tỉ ringgit ~ 12.5 tỉ USD.

Trong khi đó công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán VN (ngày hôm nay 24/11/09) là VNM – 29.5 ngàn tỉ VNĐ ~ 1,64 tỉ USD. Một công ty khác dạng tầm cỡ trên sàn với vị trí thứ 15, FPT cũng có “mưu đồ bá vương” ra thế giới hiện có giá trị 11,8 ngàn tỉ VNĐ~ 0,65 tỉ USD. Một cty khác nữa cũng có thể vươn ra ngoài VN là HAGL vốn hóa 13 ngàn tỉ VNĐ ~ 0.7 tỉ USD.

Air Asia, lúc thành lập năm 2001 với 2 máy bay, chỉ sau 8 năm ngắn ngủi, giờ đây đã trở thành hãng hàng không giá rẻ số 1 châu Á với hơn 80 máy bay. Dato’ Seri Tony Fernandes , Founder/CEO của Air Asia, cũng là diễn giả Yes 2009, một người Malaysia bước vào lĩnh vực hàng không với số vốn zero kinh nghiệm trên bầu trời vì trước đó ông làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc ở Time Warner và AOL.



Lần đầu bay Air Asia từ Bangkok sang Yangoon đầu năm nay, tôi đã bị ấn tượng mạnh vì hãng này. Tuy là low-cost-carrier, nhưng Air Asia dùng toàn máy bay Boing và Airbus mới, sạch, đẹp, chuyên nghiệp. Hệ thống nhận diện thương hiệu rất nổi bật với hai màu trắng đỏ. Từ lúc đặt vé-checkin-out đều rất dễ dàng. Nhất là các cô tiếp viên, nhân viên bán vé đều rất… xinh đẹp và thân thiện. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy với sự chuyên nghiệp như vậy, nay trực tiếp biết thêm tầm nhìn, chiến lược và con người của Fernandes, tôi tin rằng việc Air Asia trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới cũng không xa.


Chuẩn bị cho tương lai

Chưa tính đến các tập đoàn đã thể hiện được tầm vóc của mình, thế hệ kế thừa của Malaysia cũng không hề kém cạnh. Khailee Ng , 25 tuổi, Executive Director của Youth Asia, Khailee Ng là một trong những nhân vật chính tổ chức Yes 2009, quảng bá đến vài triệu bạn trẻ khắp 10 nước ĐNA, thu hút hơn 600.000 người đăng kí tham gia trên website, và 3000 bạn trực tiếp tham gia hội nghị trong khoảng thời gian vài tháng. anh cũng có thể là một global icon của tương lai.

Một người khác cũng rất tiềm năng là Michael Teoh, 22 tuổi, Youth Community Leader Malaysia, …mới nhìn thôi đã thấy đây là một nhà lãnh đạo của tương lai, Michael từng được mời tới phát biểu tại Harvard Business Conference.


Phân tích nguyên nhân

Thử xem xét một vài lý do xem tại sao VN chưa có những tập đoàn như Petronas, Air Asia?

1. Quy mô nền kinh tế nhỏ

GDP VN năm 2008 là 90.7 tỉ USD trong khi của Malaysia là 195 tỉ USD. Trong khi đó dân số lại tương phản: VN 86 triệu, Malaysia 27 triệu người. Có thể ví von là một người Malay làm việc hiệu suất bằng 7 người VN.

· Xem bảng so sánh dân số hai nước
· Xem bảng so sánh GDP hai nước . Nhớ đừng click vào Indonesia, nếu không bạn sẽ bị choáng!!

Quá nhiều người chia nhau một ít tiền, dĩ không không thể có nhiều tiền tập trung vào một công ty nào và để họ có thể mở rộng ra nhiều nước trên thế giới.

2. Thiếu một số nhà lãnh đạo xuất chúng

Hình như VN vẫn còn thiếu những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm ở tầm vóc thế giới, hoặc những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tham vọng cạnh tranh toàn cầu.

Về phía giới trẻ, Việt Nam có thể có rất nhiều người giỏi ở nhiều lĩnh vực, nhưng những nhà tổ chức trẻ có tầm cỡ như Khailee thì ít khi thấy. Ngay cả việc nghĩ đến việc thành lập ra một tổ chức trẻ có tầm vóc bên ngoài VN, thậm chỉ trong ASEAN, hay nhỏ hơn nữa là trong Đông Dương cũng chưa thấy ai nghĩ tới, đừng nói tới việc thực hiện ở tầm vóc ASEAN hay rộng lớn hơn???

3. Khả năng hội nhập “toàn cầu hóa” của đa số người bình thường

Điều này cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Mặt bằng chung càng cao thì cơ hội bốc ra những người nổi bật càng nhiều, nôm na là “nước nổi thì bèo lên”. Bèo còn lên thì thứ gì khác cũng lên tuốt. Trong đó người Malay có lợi thế lớn ở hai yếu tố chính.

Tiếng Anh

Người Malay được học tiếng Anh từ cấp 1, và thậm chí từ mẫu giáo (kindergarten). Hiện giờ giao tiếp công việc họ đều dùng tiếng Anh (tiếng địa phương là Bahasa), thậm chí 99% khu vực tư nhân dùng tiếng Anh. Thật quá dễ để họ đi lại, du lịch, làm việc ở nước ngoài, …

Ngoài ra trong ĐNA chúng ta cũng nên ghen tỵ với dân Philippin, vì ngay cả một người rất bình thường của họ cũng có thể đi khắp nơi trên thế giới, giao tiếp thoải mái bằng tiếng Anh, chỉ để làm… việc nhà.

Quen thuộc việc quốc tế hóa

Malaysia bao gồm 3 sắc dân chính: Malay 50%, Chinese 25%, còn lại là 8% Indian và những nhóm người khác.

Thứ nhất điều này khiến họ rất quen thuộc với việc sinh sống, làm việc chung với dân tộc ở các nước khác. Cứ xem tuyển bóng đá VN từ hồi có Kiatisak, các cầu thủ ngoại… đến đá thì sau đó gặp tuyển Thái họ không còn “cúm” chân run rẩy như trước nữa.

Thứ hai việc hai sắc dân chính là TQ, Ấn Độ khiến họ tìm hiểu thị trường, mở chi nhánh, tuyển nhân viên… ở nước ngoài rất dễ dàng. Bạn thử tưởng tượng giờ đi nước nào không có người Hoa hay người Ấn? Nội dân Ấn và TQ cộng lại đã hơn 2 tỉ, hơn 1/3 dân số thế giới. Xác suất họ đi ra ngoài nước sẽ tìm được 1 trong 3 người để tuyển dụng, hợp tác, làm việc… Rõ ràng mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngoài ra họ cũng rất quen thuộc với kiểu văn hóa từng làm nên thành công của “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” khi có nhiếu sắc dân khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau (Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo…)

Vậy đâu là tiềm năng của Việt Nam?

Về quy mô nền kinh tế, chắc chúng ta phải hy vọng nó sẽ tăng lên rất nhiều, hy vọng vì hiện tại có vẻ kinh tế đang khá ì ạch.

Về những nhà lãnh đạo, dĩ nhiên trong top những công ty hàng đầu VN hiện nay cũng có những nhân vật có tiềm năng và tham vọng như Mr Đoàn Nguyên Đức HAGL, hay Mr. Trương Gia Bình FPT, và thậm chí những vị tướng lĩnh đang dẫn dắt Viettel. Hãy chờ xem 5-10 năm nữa xem họ sẽ đi đến đâu?

Còn khả năng tiếng Anh, có lẽ càng ngày giới trẻ VN sẽ càng có nhiều lợi thế hơn để cải thiện tình hình. Theo Youth Engagement Report với hơn 600.000 người tham gia khảo sát từ các nước ĐNA, một xu hướng chính của giới trẻ Việt Nam (đa số từ 15-23 tuổi) là du lịch nước ngoài, mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế, và họ cũng rất quan tâm đến việc chuẩn bị cho mục tiêu du học trong tương lai.

Ở góc độ giới trẻ, cũng có những người có thể nói là nhà lãnh đạo của tương lai như Huyền Chip, Youth Community Leader của SEAChange (Chiến dịch tiền Yes 2009)..

Trong giới Web 2.0 hầu như không ai không biết Chip, kể cả những guru hoặc các expat tại VN. Tuy chưa tới tầm của Khailee và Michael, nhưng khi Chip chỉ là một cô gái nhỏ ở tuổi 19, với thể hiện leadership đáng nể, cộng với tư duy sắc bén và khả năng networking cực tốt, tôi tin rằng Chip sẽ tiến rất xa.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=182402139226

Một số bài liên quan

Ngôn Phạm: Giấc mộng "Go Global" của các công ty CNTT Việt
Internet Việt Nam, một góc nhìn từ bên ngoài "chiếc hộp"


Internet Việt Nam, một góc nhìn từ bên ngoài "chiếc hộp"

sleepingfool@gmail.com