SF đã định post bài này từ lâu, nhưng nay mới có dịp thuận tiện.
Bài này để cho ai chưa đi Cam thì có thể xem để tham khảo. Và bạn nào chưa đi bụi nước ngoài lần nào thì có thể coi Cam như một điểm đến đầu tiên vì gần và chi phí thấp (200USD cho 5 ngày). Thời điểm đi khoảng tháng 12 năm 2006. Tức là 1 năm về trước.
ĐI BỤI XỨ CAM
Bài và ảnh: SF
Lực hút để khởi hành
Campuchia là một đất nước không xa lạ với nhiều người. Nhưng nó vẫn hấp dẫn với tôi dù tôi đã từng đến một vài nước châu Á như Nhật, Sing, Malaysia vì đất Cam khá gần, dễ đi với chi phí thấp, và nhất là…tôi chưa từng đến. Cảnh vật ở đất Cam nghe nói cũng rất đẹp, điều làm một người mê nhiếp ảnh như tôi bị cám dỗ không cưỡng lại. Vì thế tôi, một tên freelancer quyết định đi Cam một tuần sau 2 lần đã trì hoãn vì công việc níu kéo. Đi và viết một phóng sự ảnh đi bụi Campuchia gửi đăng báo hay post lên blog là một điều thú vị với tôi - cũng là một blogger - sleepingfool.
Sau khi hỏi han thông tin từ vài người bạn đã từng đến đất Angkor, “tậu” một quyển Lonely Planet để tìm hiểu thông tin tôi đã quyết định đi một mình để khám phá đất nước láng giềng này. Đón một chiếc xe buýt tại Phạm Ngũ Lão, sau khoảng 3h xe đã đi đến biên giới Campuchia. Visa tôi đã tự làm sẵn trước đó chỉ sau một ngày đã có. Thủ tục xuất cảnh nói chung cũng khá nhanh. Chỉ khoảng 15 phút là cả xe đã có thể tiếp tục đi.
Người và xe đạp trên nóc xe chở khách là chuyện thường ngày ở Cam.
Khi qua phà lái xe vẫn để hành khách ngồi trong xe nên rất nguy hiểm nếu phà gặp sự cố.
Khi qua phà lái xe vẫn để hành khách ngồi trong xe nên rất nguy hiểm nếu phà gặp sự cố.
Điểm dừng đầu tiên bên đất Cam là một quán ăn “đa quốc gia”. Tên quán được ghi trên bảng hiệu bằng hai ngôn ngữ tiếng Vịêt và tiếng Cam, đồng thời khách có thể trả tiền bằng những 3 loại tiền tệ khác nhau. Bạn có thể trả tiền cơm bằng đồng đô la Mỹ, tiền Việt hay tiền riel tùy ý và nhận lại tiền thừa bằng tiền riel. Rất đơn giản: 1 USD tương đương 4000 riel. Sau đó tôi mới biết ở xứ này đồng đô là vua, và đồng 1 đô là … hoàng hậu.
Một quán ăn “đa quốc gia” gần biên giới Cam.
Tại đây thực khách có thể thanh toán bằng 3 loại tiền: VNĐ, USD, riel.
Tại đây thực khách có thể thanh toán bằng 3 loại tiền: VNĐ, USD, riel.
Nhàm chán Phnôm Penh
Khoảng 3h xe đến Phnom Penh. Sau khi hỏi bác tài tôi đi bộ thẳng đến một khu nhà trọ (Guest House - GH) gần bến xe. Khá nhiều nhà trọ, tôi chọn một quán có cái tên rất VN – Kim Hong II. Tuy nhiên chẳng ai biết tiếng Việt, chỉ có một người biết tiếng Anh. Buổi chiều tôi lang thang đi dạo chợ Phsar Mei. Chợ này khá giống chợ ở Sài Gòn với một nhà lồng lớn ở giữa. Tuy nhiên tôi không có hứng thú nhiều với việc shopping nên chỉ mua một cái đèn pin du lịch nhỏ với giá 1.5 đô rồi đi dạo tiếp PP.
PP trông khá nhàm chán và có vẻ giống một một quận Gò Vấp hay Bình Thạnh ngoại trừ những đường cong đặc trưng của kiến trúc Cam trên nhiều nóc nhà xưa. Tối đến may mắn tôi liên lạc được Kim Vuth, một anh chàng chủ tịch một tổ chức NGO trẻ được chính phủ công nhận tại PP. Vuth và một anh bạn khác phó chủ tịch ghé nhà trọ chở tôi dạo một vòng PP đêm. Cả ba chất lên một chiếc Wave chạy một vòng. Ở đây xe chở 3,4 cũng chuyện thường và cảnh sát không hề hỏi han đến.
Trời PP về đêm khá nóng bức, có lẽ vì thế mà bờ sông chật đông đen những người ra dạo mát. Xe chạy ngang một khu hội chợ lớn ở PP. Rất lạ là với hàng chục gian hàng trò chơi, chỉ độc mỗi trò phóng phi tiêu vào bong bóng với phần thưởng là thú nhồi bông, bánh kẹo, cho thấy sự đơn điệu trong giải trí của giới trẻ ở đây. Một điều ngộ nghĩnh khác đập vào mắt tôi là các quán ăn có khách ngồi ăn trên…võng. Trông lạ và có cảm giác họ khá lười biếng, tương tự như ở VN có rất nhiều quán café và vẫn đông khách ban ngày. Quán cà phê lại không phải là chỗ dễ tìm ở Sing hay Malay những nơi tôi đã từng qua. Thế là đủ ở PP, bỏ qua những điểm như chùa Bạc hay cung điện Hoàng gia mà các tour du lịch hay giới thiệu, sáng hôm sau tôi thẳng tiến Siêm Riệp - đất mẹ của các đền đài Angkor.
Món nhện chiên được bày bán trên đường đi Siêm Riệp.
Nhiều du khách nước ngoài tò mò chụp hình nhưng ít ai dám thử.
Nhiều du khách nước ngoài tò mò chụp hình nhưng ít ai dám thử.
Cả gia đình đang ăn trên võng tại một quán ăn.
Ăn trên võng có lẽ trên thế giới chỉ có tại Phnom Penh
Đạp xe ngắm Angkor
Check-in vào một nhà trọ với cái tên khá “xanh” là Garden Village, tôi ra hỏi Lina – cô bé tiếp tân khá dễ thương một chỗ thuê xe đạp. May mắn là Lina cũng đã hết giờ làm, cô bé dẫn tôi ra một chỗ thuê xe đạp gần đó. Tiện đường về nhà Lina cũng trên đường đến khu Angkor cách đó khoảng 6-7 km, tôi đạp xe chở Lina đi.
Đạp xe qua dòng sông phẳng lặng với cảm giác khá thư thả, làm tôi nhớ lại thời sinh viên đạp xe đi học mỗi ngày. Giờ đây cũng đạp xe đạp nhưng lại là đi du lịch, một thoáng nửa vui nửa luyến tiếc thời sinh viên gian khó. Thoáng chốc đã đến trạm kiếm soát. Mua vé vào Angkor sau 17h, tôi được “khuyến mãi” không tính tiền một chiều hoàng hôn Angkor.
Angkor wat đã thấp thoáng hiện ra sau khúc quanh của con đường dọc bờ sông. Những hàng cây cổ thụ cao vút và những bãi cỏ xanh tươi làm mát dịu hẳn bầu không khí nóng bức. Những đền đài Angkor Wat cổ xưa trong một khung cảnh gần như nguyên thuỷ khiến du khách bâng khuâng như lạc bước thời gian về thời của những vị vua hiển hách Suryavarman II hàng trăm, ngàn năm trước đây. Thật lòng tôi không phải là người đam mê lịch sử và kiến trúc, vì vậy tôi quyết định chỉ ở SR hai ngày 3 đêm và thăm những đền đài tiêu biểu.
Hai ngày cũng đủ để thăm 4 nơi được Lonely Planet nhấn mạnh: Angkor Wat – khu kiến trúc tôn giáo lớn nhất thế giới, Bayon nổi tiếng với những khuôn mặt khổng lồ được khắc hoạ bên trên đền, lâu đài Tàkeo cao lớn sừng sững. Và cuối cùng không thể bỏ qua nơi Angelina đã “cướp mộ” – khu Ta Phrom. Những nơi này có lẽ đã làm tốn không ít giấy mực của nhiều bài báo du lịch. Ta Phrom kỳ vĩ và âm u với rất nhiều đền đài nhỏ rải rác quanh những thần mộc khổng lồ không hổ danh là nơi hãng Paramount chọn làm nơi quay phim Tomb Raider - Kẻ cướp lăng mộ. Vi vút cất lên trong rừng cây Ta Phrom trầm mặc là những điệu nhạc buồn của những nhạc công tàn tật - những nạn nhân của bom mìn thời chiến tranh. Tôi rút máy ghi âm ra ghi lại một đoạn ngắn 30 giây, chừng đó cũng đủ để tôi về post lên blog cho bạn bè nghe chơi cho có cả hình ảnh lẫn âm thanh.
Hai ngày đạp xe dạo quanh Angkor Wat và Angkor Thom, một khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng giúp tôi cảm nhận được nhịp sống Angkor. Giá cả ở đây hơi đắt hơn một chút so với Phnom Penh. Người dân có vẻ rất quen thuộc với việc giao tiếp với khách nước ngoài cho dù biết tiếng Anh hay không. Bọn trẻ bán bưu thiếp, tượng đồng quà tặng tuy chỉ khoảng 7, 8 tuổi nhưng có thể tán dóc và mời mọc mua hàng với những vị khách Mỹ, Hàn vốn chiếm khá nhiều ở nơi đây. Đôi khi có cảm giác ở nơi đây du khách được hưởng một phong cách phục vụ tốt và có cảm giác an tâm không bị chém giá đắt bất ngờ như ở VN.
Hai ngày đạp xe dạo quanh Angkor Wat và Angkor Thom, một khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng giúp tôi cảm nhận được nhịp sống Angkor. Giá cả ở đây hơi đắt hơn một chút so với Phnom Penh. Người dân có vẻ rất quen thuộc với việc giao tiếp với khách nước ngoài cho dù biết tiếng Anh hay không. Bọn trẻ bán bưu thiếp, tượng đồng quà tặng tuy chỉ khoảng 7, 8 tuổi nhưng có thể tán dóc và mời mọc mua hàng với những vị khách Mỹ, Hàn vốn chiếm khá nhiều ở nơi đây. Đôi khi có cảm giác ở nơi đây du khách được hưởng một phong cách phục vụ tốt và có cảm giác an tâm không bị chém giá đắt bất ngờ như ở VN.
Trẻ bán quà lưu niệm trước cổng Angkor Wat
Khiêu vũ với …cảnh sát Campuchia
Chiều tối cuối cùng khi đạp xe từ Angkor về nhà trọ, lại một sự bất ngờ đến với tôi. Đạp xe ngang một khu lễ có nhiều người đang ăn tiệc và nhảy múa. Tôi tò mò ngừng xe ngắm nghía, thình lình một anh chàng bận sắc phục chạy đến mời tôi vào cùng vui. Thì ra là một buổi tiệc cuối năm của … cảnh sát Campuchia. Anh chàng kéo tôi vào là Tay – 22 tuổi. Bọn họ rất vui vẻ thân thiện và liên tục mời tôi cụng ly, những ly bia Angkor vàng sóng sánh.
Bia Angkor phổ biến tại Siem Riep như bia 333 tại SG và Halida tại HN
Tôi cũng tranh thủ vừa úông vừa bấm máy liên tục. Lúc này tôi có cảm giác mình như một đại diện duy nhất đến từ VN tại đây nên tranh thủ cảm tình: “Vietnam and Cambodia are good friends. We are our friends”. Một lúc sau tôi thậm chí bước ra nhảy điệu lamthon?? với bọn họ. Tay có vẻ rất khoái chí khi thấy tôi cùng nhảy điệu truyền thống này. Ravong, một anh chàng khác tiến đến lấy máy ảnh của tôi để …chụp lại cảnh tôi đang nhảy múa với bọn họ. Cảm ơn Ravong vì giờ tôi đã có vài hình để khoe lại với bạn bè. Tiếng nhạc giòn giã, những nụ cười và vòng tay múa đã làm tiêu tan rất nhiều những hình ảnh xấu mà tôi đã nghe nói trước đây về cảnh sát Campuchia.
Đối diện với cá mập – trở thành mực một nắng
Mua một vé tàu về PP hết 25 USD, đắt gấp 6 lần so với vé xe buýt. Nhưng tôi không phải tiếc vì đi trên hồ Tonle Sap quả là có nhiều điều kỳ thú. Đầu tiên là cái sự ngồi. Chỗ của tôi là trên… nóc tàu cánh ngầm bên cạnh rất nhiều khách du lịch phương Tây khác. Khoảng 90% là dân Âu, Mỹ. Chỉ có vài người châu Á. Đi được một lúc thì tôi cũng cảm thấy hơi hoảng. Không có áo phao, nhìn xung quanh bốn phía chỉ thấy hướng Bắc xa tít mù là có đất liền, nếu có chuyện gì chắc cũng không bơi được tới đó. Xuống nước lỡ gặp cá mập, chưa kịp hỏi nó “Where are you from?” thì đã thấy tối thui!! Cũng khá ngạc nhiên vì thường dân Tây rất cẩn thận, nhưng ở đây họ ngồi tỉnh queo. Thôi thì phó thác cho số phận.
Một chuyến tàu "bão táp" tương tự đang đi từ hướng ngược lại
Tàu đi qua rất nhiều cảnh thú vị như đời sống người dân ven hồ, tôi bấm máy liên tục. Máy số nên tha hồ chụp mà không sợ đốt phim. Chuyến này về chắc đã có thêm một phóng sự ảnh “Trên hồ Tonle Sap”. Sáu tiếng đồng hồ ngồi trên nóc tàu cánh ngầm làm tôi biến thành món mực một nắng, da đen thui. Kiểu này về nhà chắc chắn sẽ bị lột da trên mặt từng mảng.
Một kiểu kiến trúc lạ bên bờ Tonle Sap
Mua sách cũ ở PP
Đến PP, do không có chuyến tàu về VN trong buổi chiều nên tôi đành ở lại một buổi tối. Sáng ra đi lang thang trên đường đến chùa Bạc và cung điện Hoàng Gia. Tình cờ tôi phát hiện một nhà sách Bohr’s bán sách Anh, Pháp cũ. Đủ loại sách, từ sách tiểu thuyết như Đồi gió hú, Sherlock Homes đến những quyển hiện đại như Thế Giới Phẳng, hay thậm chí sách Lược sử thời gian của Stephen Hawkins cũng có. Tha hồ lục sách vô tư hầu hết các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế…. Giá cực mềm chỉ khoảng 3 – 5 đô một quyển. Đa số là giá 3 đô. Tôi mua 4 quyển sách về tư duy chiến lựơc, về người Mỹ… với giá 3 đô một quyển và được giảm giá hẳn ...1 USD cho tổng số. Thường khi đi nước ngoài tôi hay tranh thủ mua sách tiếng Anh để đọc thêm. Sách tiếng Anh tôi chọn theo các yếu tố ưu tiên: chủ đề tôi thích, nội dung chia làm nhiều phần nhỏ, sách in đẹp và dễ đọc. Một số quyển ở đây tôi để ý thấy giấy và mực in không đẹp lắm, có lẽ là sách in lậu.
Chuyến xe của những người tự do
Lượt về trên dòng Mekong cảnh cũng tương tự khi đi trên hồ Tonle Sap nên cũng không có gì đáng nói. Khi tàu cập bến ở Châu Đốc tôi đón xe về lại thành phố. Chỉ có mình tôi là khách. Điều thú vị là cả 3 người trên xe đều là dân freelancer. Anh Châu - một tài xế và Như một cô gái trẻ làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh đều là dân làm việc tự do cho nhiều công ty du lịch khác nhau. Cả ba đều yêu thích du lịch và từng đi nhiều nơi nên cũng có khá nhiều chuyện để nói, từ chuyện thói quen lạ của khách Tây đến những bất cập của ngành du lịch Việt Nam trong việc thu hút và tiếp đón khách nước ngoài. Anh Châu hào hứng đến độ quyết định không đón khách nữa chỉ để 3 người nói chuyện du lịch mà thôi. Cả 3 lại ghé ăn lẩu trâu ở Long Xuyên. Vị đậm đà của thịt trâu chấm vào cơm mẻ làm tôi cảm thấy chuýên đi cũng rất xứng đáng và đọng lại hương vị khó tan như món lẩu trâu này.