Tuesday, February 23, 2010

Startup Vietnam – To hơn, nhỏ đi!

Trên thế giới, từ trước giờ các công ty trong lĩnh vực công nghệ và Internet đều có thể chia theo một số loại như phần cứng, phần mềm, Internet, sản xuất điện thoại, mạng điện thoại, nội dung số.

Ngoài ra về khía cạnh sản phẩm thì các tập đoàn châu Á đa số đều đi theo hướng đa dạng hóa như Sony, Samsung, LG.... Các tập đoàn Âu, Mỹ hầu như đi theo hướng chuyên môn hóa như Nokia, Dell, Google…

Thỉnh thoảng chỉ thấy ngoại lệ như Microsoft nhảy vào lĩnh vực phần cứng với Xbox, Zune nhưng không thành công mấy. Độc đáo nhất chỉ có Apple có thể chiến thắng trên hầu hết các mặt trận mà họ tham gia với máy Mac, iPod, iPhone, iTunes, AppStore…



Thế nhưng với hàng loạt động thái một vài năm gần đây của các tập đoàn lớn cả Âu lẫn Á và ngay ở VN cho thấy không có hàng rào nào ngăn cản họ tiến sang những sân chơi khác. Kẻ đang ở dưới biển thì lên rừng, kẻ ở rừng thì… bay lên trời.

· Google với Android/Voice/Nexus One, Amazon với Kindle
· Nokia với Ovi/ Tablet 3G, Samsung với Bada
· Dell, Asus, Acer, FPT cũng sản xuất điện thoại.
· Viettel sản xuất máy tính, điện thoại di động, tham gia Internet, ứng dụng mobile…

Sắp tới ai biết được điều gì sẽ xảy ra??? Biết đâu Apple lại tung ra một mạng xã hội mới dạng love-matching dành riêng cho những người dùng Mac + iPhone + iPad vốn là những người có điểm chung “cá tính, đam mê, thu nhập cao”? Hay Facebook buồn tình tung ra một hệ điều hành web FaceOS, hoặc một FacePad gì đó chỉ dùng cho các hoạt động của các user trên Facebook platform? Ở VN thì Viettel có vẻ không ngần ngại khi tham gia bất cứ mảng nào họ thấy có lợi nhuận.

Những hoạt động này cho thấy các công ty chuyển từ việc tận dụng các lợi thế chiều dọc/ chuyên sâu một loại sản phẩm/công nghệ sang lợi thế chiều ngang/quy trình - tham gia vào tất cả các bước liên quan trong hoạt động hàng ngày của người sử dụng mà không cần biết đó là cứng, mềm hay mạng… Miễn là họ có đủ nguồn lực: tiền, nhân sự và họ biết sẽ có một lượng lớn khách hàng cũ sẽ sử dụng sản phẩm mới của họ.

Những điều trên có vẻ vĩ mô và chung chung quá, vậy chúng có ảnh hưởng gì đến Internet VN và những người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT & Internet?

Với ngành Internet Việt Nam

+ Tiền vào nhiều hơn
Tổng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số VN năm 2008 là 170 triệu USD, khoảng 3.200 tỉ. Trong khi đó chỉ cần Viettel tung 30% lợi nhuận của 10.000 tỉ vào đã khiến số tiền trên tăng gấp đôi. Và ai biết Mobifone, Vinaphone, Beeline… sẽ không tiếp bước Viettel?

Từ đó một số công ty con/startup lại có lợi khi làm sub-contract/partner hay M&A cho các đại gia mới gia nhập ngành muốn mua thời gian. Rồi một số công ty mobile apps/ marketing/content lại ra đời thúc đẩy tăng trưởng của mảng này.

+ Cạnh tranh khốc liệt hơn
Dĩ nhiên đi đôi với tiền là vũ khí. Các công ty phải cạnh tranh nhau khốc liệt hơn nhiều. Viettel chưa cần phô diễn các thế mạnh về người dùng, hệ thống phân phối… mà chỉ vác bọc tiền ra là đủ “lấy tiền đè người” rồi.

Tiếp theo trước đây các đối thủ dùng cùng loại vũ khí để đánh nhau trên một sàn đấu, thì giờ đây không còn luật lệ đó nữa. Ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, ai có … đủ thứ thì lôi ra chơi luôn một lần. Rõ ràng ai có nhiều “hàng” hơn có xác suất “tấn công” nhiều user hơn, ít nhất là so với bản thân họ lúc trước.

Với nhân sự Internet Việt Nam

+ Có nhiều việc làm hơn
Nếu trước đây lập trình viên, những người làm nội dung số… chỉ có thể vào ra các công ty Internet là chính, giờ đây họ có thể ứng tuyển vào mạng di động, vào các công ty sản xuất điện thoại (nội dung số).

+ Mặt bằng lương cao hơn, luân chuyển nhiều hơn
Lượng công việc nhiều hơn, tiền vào nhiều hơn, mà số người có thể tham gia làm việc ngay không thay đổi mấy, vậy chuyện gì sẽ xảy ra?

Với người dùng cuối

+ Nhiều hơn, tiện hơn, rẻ hơn
Trước đây họ lướt web bằng máy tính, giờ có thể lướt mobile web hoặc tablet, iPad. Trước đây phải xài ADSL thì giờ vô tư không cần dây với 3G. Trước đây sms phải nhắn tin tốn tiền, giờ dùng ViTalk hoặc Ola… hay vào Dailyinfo của Viettel để có 5 tin free mỗi ngày. Quá sướng!

Với các công ty thông thường

+ Tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh hơn
Nếu trước đây họ chỉ có mỗi kênh Internet thì giờ đây họ có thể chọn thêm mobile. Như vậy có thêm sự lựa chọn rất hấp dẫn này, nhiều khả năng các công ty sẽ tăng tỉ trọng chi cho tiếp thị số. Nhờ vậy dòng tiền lại tiếp tục chạy vào ngành như phần trên đã nói.


Cuối cùng, có vẻ Internet VN đang bắt đầu tăng tốc lớn lên. Biên giới giữa các mảng Internet, di động, phần cứng, phần mềm …đã bị xóa bỏ. Thế giới đang thu hẹp lại, nhỏ đi!

http://www.facebook.com/note.php?note_id=321465094226

Bài kỳ trước: Startup Vietnam: 7 yếu tố của một hệ thống bền vững

Bài liên quan: 7 dự đoán về Internet Việt Nam 2010

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com