Thursday, January 28, 2010

Startup Vietnam: 8 đặc điểm của một sản phẩm "hoàn hảo" - phần 1

Một Internet startup nếu có “Dream Team” rồi thế nào cũng sẽ tạo ra được một sản phẩm “hoàn hảo”. Như thế nào là một sản phẩm “hoàn hảo”, tôi thử liệt kê ra 8 tiêu chí sau, hy vọng các tiêu chí này cũng có thể ứng dụng vào việc đánh giá cả ứng dụng mobile.



1. Đúng lĩnh vực

Thứ nhất: sau một hồi “ngâm cứu” tôi phát hiện ra ở Việt Nam người ta chỉ quan tâm có hai điều: “Làm giàu” và “Giải trí” . Thử nhìn lại các sản phẩm tiêu biểu: VnExpress/DanTri – tin tức, giải trí thư giãn, Võ Lâm Truyền Kỳ - game online, 5giay – kết nối mua & bán, CafeF – thông tin tài chính. Sau đó tôi kiểm tra lại trên Top 100 Alexa VN thì lập luận này càng được khẳng định. 100 site thì một là site giải trí, hai là site mua bán. Thỉnh thoảng cũng lọt vào vài chú trung lập như Google, Yahoo, Tinhte, Vdict, Webtretho, … nhưng vẫn ít hơn 10%. Trong vòng 3-5 năm nữa, sản phẩm nào giúp người ta đạt được hai mục đích trên thật tốt thì chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý lớn từ xã hội.

Thứ hai: offline phải mạnh sẵn, “market size” đủ lớn. Ngay cả offline mà thị trường còn chưa phát triển thì làm sao online có cửa? Một minh họa chính là mảng âm nhạc. Ngay cả thị trường âm nhạc offline, các công ty âm nhạc còn bị vi phạm bản quyền, bán băng đĩa chả được bao nhiêu thì cũng dễ suy đoán tiếp số phận của âm nhạc online. Hy vọng sắp tới khi thị trường ứng dụng mobile phát triển thì các site âm nhạc có lối ra.

Thứ ba: chưa có quá nhiều đối thủ lớn. Quá nhiều là khoảng hơn 5. Ví dụ mảng tin tức và âm nhạc hiện giờ quá chua. Mảng âm nhạc đã chưa kiếm được tiền mà có tới 5-7 site, site nào cũng hầm hố cả: nhaccuatui.com(truy cập nhiều nhất), nhacso.net (FPT), yeuamnhac.com (IDGVV), pops.vn (Việt kiều Mỹ), mp3.zing.vn (VinaGame), nhac.vui.vn (24h)… Tôi thấy mảng nào có nhiều big player quá thì tôi bỏ chạy ngay, hoặc muốn liều mình đứng lại thì phải tạo ra một sản phẩm thực sự khác biệt với đám đông.


2. Đúng nhu cầu – định vị tốt

Sau khi vào đúng lĩnh vực mà không đánh đúng nhu cầu thì cũng trật đường ray. Giống như diễn thuyết giữa đường đông đúc người qua lại, nhưng không làm ai chú ý. Câu nói của Larry Page về một perfect search engine có thể áp dụng lại cho tiêu chí “đúng nhu cầu”: “it would understand exactly what you mean and give back exactly what you want.” Cần phải tập trung toàn lực vào nhu cầu cốt yếu nhất của người dùng mục tiêu.

Để đánh đúng nhu cầu cốt yếu nhất phải tìm ra được thói quen lớn nhất của đám đông. Ví dụ CafeF làm được điều này trong lĩnh vực chứng khoán. Những nhà đầu tư chứng khoán ở VN hầu hết đầu tư theo tin đồn, vì thế họ xem tin tức hàng ngày. Còn những sản phẩm “công nghệ cao” hơn như quản lý danh mục đầu tư, lọc cổ phiếu… có vẻ chưa tới thời cho lắm.

Các sản phẩm game online “hot:” nhất trên thị trường VN như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, hay mới đây như Tây Du Ký vừa ra đã bị nghẽn forum (thật không?), đa số cũng đánh vào các nhu cầu đã có sẵn từ sự đam mê kiếm hiệp Kim Dung, Tề Thiên Đại Thánh của người VN.

Sau khi đã xác định nhu cầu cốt yếu nhất của người dùng, phải có định vị nhắm thẳng vào nhu cầu đó. Mọi thứ xoay quanh sản phẩm đều phải theo định vị. Đầu tiên là tên miền, tên miền phải dễ nhớ, ngắn gọn và dễ liên tưởng đến định vị. Kế đến thiết kế, tổ chức dữ liệu, các tính năng chính đều phải hướng định vị. Sau nữa thông điệp chính của các hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm cũng phải tập trung làm nổi bật định vị.


3. Tổ chức dữ liệu tốt

Để tổ chức dữ liệu tốt, sản phẩm phải có một kiến trúc vững chắc và nhất quán trên một nền tảng công nghệ mạnh có chủ đích ngay từ lúc đầu. Nhìn vào các dòng sản phẩm của Google chẳng hạn, mọi sản phẩm sau này của họ đều xoay quanh công nghệ lõi search engine mạnh.

Dữ liệu phải được tổ chức theo cấu trúc rõ ràng, dễ mở rộng và dễ tùy biến để phù hợp nhu cầu thực tế tăng dần, hoặc trong trường hợp phải thiết kế lại kiến trúc từ đầu để phục vụ việc phát triển giai đoạn sau. Việc tái cấu trúc lại sản phẩm rất thường xảy ra, đặc biệt với startup khi lượng dữ liệu hoặc user bùng nổ do ban đầu sản phẩm phải được phát triển nhanh với chi phí thấp và nguồn lực nhân sự hạn chế.

Tốt nhất ban đầu việc thiết kế sản phẩm nên có một “concept” rõ ràng bắt nguồn từ định vị của sản phẩm như : PageRank - đánh giá trang dựa trên số lượng và chất lượng các trang trỏ tới trang đó, relationship-centric, hướng địa điểm…để sau này việc mở rộng các tính năng không bị phân tán, sai lạc với định vị ban đầu.

Tổ chức dữ liệu tốt cũng giúp cho việc quản lý thông tin và người dùng, bảo trì sản phẩm dễ dàng hơn sau này khi hệ thống đang hoạt động hết công suất dưới áp lực truy cập “real time” liên tục của người sử dụng. 5giay, Webtretho đáp ứng hai tiêu chí “lĩnh vực” và “nhu cầu” rất tốt, nhưng điểm yếu của họ là tiêu chí thứ 3 này. Đây cũng là điểm yếu của rất nhiều site thuộc họ forum đi lên vốn rất phổ biến ở VN.

Tổ chức dữ liệu không tốt sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố 4 - giao diện, 6 - nội dung, 7 – tốc độ, 8 – cá nhân hóa mà tôi sẽ tiếp tục phân tích tiếp dưới đây.


4. Giao diện thân thiện

Một giao diện người dùng tốt phải hội đủ 3 yếu tố: đơn giản, dễ sử dụng, các tính năng đúng định vị. Facebook lúc đầu phức tạp, khó sử dụng với người Việt nên không được ưa chuộng lắm.

Một giao diện tốt vừa nhìn vào đã thấy ngay được định vị của sản phẩm. Tôi nhớ có lần nghe Chris Harvey – CEO Vietnamworks thuyết trình về user interface. Chris nói các yếu tố quan trọng nhất là clear, focus, simple và “don’t make me think”. “Don’t make me think” ý nói đừng đánh đố người sử dụng, làm sao họ vừa nhìn thấy website lần đầu đã biết site này nói về gì, có tính năng gì chính yếu nhất.

Giao diện tốt cũng phải có user-flow rõ ràng, các tính năng/chuyên mục có sự liên kết với nhau chặt chẽ. Việc liên kết chặt chẽ giúp dẫn dắt người dùng “đi lòng vòng” trong site mà không thoát ra. Trên thế giới Internet chắc chỉ có mỗi Google đặt mục tiêu làm sao user vào rồi ra nhanh nhất, còn 99,99% các site khác đều muốn giữ chân user càng lâu càng tốt.

Tuy nhiên những giao diện đơn giản rõ ràng theo kiểu Mỹ chưa chắc đã hay ở VN. VN & TQ có khá nhiều site nhìn rối rắm vẫn rất đông người sử dụng. Một chiêu kiểu Việt là các loại Top này, Top nọ nhiều người đọc thường được người dùng ưa thích do ảnh hưởng của văn hóa đám đông. Đồng thời một giao diện thu hút cũng có một lượng vừa phải những hình ảnh minh họa sinh động và trực quan thay vì quá nhiều chữ [câu này bổ sung nhờ comment của bạn Lily Nguyen].

Thật ra, chẳng cần suy nghĩ gì cao siêu, cứ nghĩ mình đang sắp xếp mặt tiền của một tiệm cơm trưa bình dân. Có món gì thì xếp ra hết, các món ngon và hấp dẫn để ở những chỗ nổi bật. Những món như sườn nướng thì đem ra vỉa hè nướng cho nghi nghút khói, mùi thơm bốc lên phưng phức, ai đi ngang cũng thèm. Làm sao để “Dù không hay, nhưng ai cũng phải… ghé vào” là thành công rồi.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=273129604226

----------------------------------------------
Bài kỳ trước: Startup Vietnam: Học Mỹ hay học Trung Quốc?”
Bài kế tiếp: “Startup Vietnam: 8 đặc điểm của một sản phẩm hoàn hảo – phần cuối”

0 Comments:

sleepingfool@gmail.com