Tuesday, February 23, 2010

Startup Vietnam – To hơn, nhỏ đi!

Trên thế giới, từ trước giờ các công ty trong lĩnh vực công nghệ và Internet đều có thể chia theo một số loại như phần cứng, phần mềm, Internet, sản xuất điện thoại, mạng điện thoại, nội dung số.

Ngoài ra về khía cạnh sản phẩm thì các tập đoàn châu Á đa số đều đi theo hướng đa dạng hóa như Sony, Samsung, LG.... Các tập đoàn Âu, Mỹ hầu như đi theo hướng chuyên môn hóa như Nokia, Dell, Google…

Thỉnh thoảng chỉ thấy ngoại lệ như Microsoft nhảy vào lĩnh vực phần cứng với Xbox, Zune nhưng không thành công mấy. Độc đáo nhất chỉ có Apple có thể chiến thắng trên hầu hết các mặt trận mà họ tham gia với máy Mac, iPod, iPhone, iTunes, AppStore…



Thế nhưng với hàng loạt động thái một vài năm gần đây của các tập đoàn lớn cả Âu lẫn Á và ngay ở VN cho thấy không có hàng rào nào ngăn cản họ tiến sang những sân chơi khác. Kẻ đang ở dưới biển thì lên rừng, kẻ ở rừng thì… bay lên trời.

· Google với Android/Voice/Nexus One, Amazon với Kindle
· Nokia với Ovi/ Tablet 3G, Samsung với Bada
· Dell, Asus, Acer, FPT cũng sản xuất điện thoại.
· Viettel sản xuất máy tính, điện thoại di động, tham gia Internet, ứng dụng mobile…

Sắp tới ai biết được điều gì sẽ xảy ra??? Biết đâu Apple lại tung ra một mạng xã hội mới dạng love-matching dành riêng cho những người dùng Mac + iPhone + iPad vốn là những người có điểm chung “cá tính, đam mê, thu nhập cao”? Hay Facebook buồn tình tung ra một hệ điều hành web FaceOS, hoặc một FacePad gì đó chỉ dùng cho các hoạt động của các user trên Facebook platform? Ở VN thì Viettel có vẻ không ngần ngại khi tham gia bất cứ mảng nào họ thấy có lợi nhuận.

Những hoạt động này cho thấy các công ty chuyển từ việc tận dụng các lợi thế chiều dọc/ chuyên sâu một loại sản phẩm/công nghệ sang lợi thế chiều ngang/quy trình - tham gia vào tất cả các bước liên quan trong hoạt động hàng ngày của người sử dụng mà không cần biết đó là cứng, mềm hay mạng… Miễn là họ có đủ nguồn lực: tiền, nhân sự và họ biết sẽ có một lượng lớn khách hàng cũ sẽ sử dụng sản phẩm mới của họ.

Những điều trên có vẻ vĩ mô và chung chung quá, vậy chúng có ảnh hưởng gì đến Internet VN và những người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT & Internet?

Với ngành Internet Việt Nam

+ Tiền vào nhiều hơn
Tổng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số VN năm 2008 là 170 triệu USD, khoảng 3.200 tỉ. Trong khi đó chỉ cần Viettel tung 30% lợi nhuận của 10.000 tỉ vào đã khiến số tiền trên tăng gấp đôi. Và ai biết Mobifone, Vinaphone, Beeline… sẽ không tiếp bước Viettel?

Từ đó một số công ty con/startup lại có lợi khi làm sub-contract/partner hay M&A cho các đại gia mới gia nhập ngành muốn mua thời gian. Rồi một số công ty mobile apps/ marketing/content lại ra đời thúc đẩy tăng trưởng của mảng này.

+ Cạnh tranh khốc liệt hơn
Dĩ nhiên đi đôi với tiền là vũ khí. Các công ty phải cạnh tranh nhau khốc liệt hơn nhiều. Viettel chưa cần phô diễn các thế mạnh về người dùng, hệ thống phân phối… mà chỉ vác bọc tiền ra là đủ “lấy tiền đè người” rồi.

Tiếp theo trước đây các đối thủ dùng cùng loại vũ khí để đánh nhau trên một sàn đấu, thì giờ đây không còn luật lệ đó nữa. Ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, ai có … đủ thứ thì lôi ra chơi luôn một lần. Rõ ràng ai có nhiều “hàng” hơn có xác suất “tấn công” nhiều user hơn, ít nhất là so với bản thân họ lúc trước.

Với nhân sự Internet Việt Nam

+ Có nhiều việc làm hơn
Nếu trước đây lập trình viên, những người làm nội dung số… chỉ có thể vào ra các công ty Internet là chính, giờ đây họ có thể ứng tuyển vào mạng di động, vào các công ty sản xuất điện thoại (nội dung số).

+ Mặt bằng lương cao hơn, luân chuyển nhiều hơn
Lượng công việc nhiều hơn, tiền vào nhiều hơn, mà số người có thể tham gia làm việc ngay không thay đổi mấy, vậy chuyện gì sẽ xảy ra?

Với người dùng cuối

+ Nhiều hơn, tiện hơn, rẻ hơn
Trước đây họ lướt web bằng máy tính, giờ có thể lướt mobile web hoặc tablet, iPad. Trước đây phải xài ADSL thì giờ vô tư không cần dây với 3G. Trước đây sms phải nhắn tin tốn tiền, giờ dùng ViTalk hoặc Ola… hay vào Dailyinfo của Viettel để có 5 tin free mỗi ngày. Quá sướng!

Với các công ty thông thường

+ Tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh hơn
Nếu trước đây họ chỉ có mỗi kênh Internet thì giờ đây họ có thể chọn thêm mobile. Như vậy có thêm sự lựa chọn rất hấp dẫn này, nhiều khả năng các công ty sẽ tăng tỉ trọng chi cho tiếp thị số. Nhờ vậy dòng tiền lại tiếp tục chạy vào ngành như phần trên đã nói.


Cuối cùng, có vẻ Internet VN đang bắt đầu tăng tốc lớn lên. Biên giới giữa các mảng Internet, di động, phần cứng, phần mềm …đã bị xóa bỏ. Thế giới đang thu hẹp lại, nhỏ đi!

http://www.facebook.com/note.php?note_id=321465094226

Bài kỳ trước: Startup Vietnam: 7 yếu tố của một hệ thống bền vững

Bài liên quan: 7 dự đoán về Internet Việt Nam 2010

Thursday, February 04, 2010

Startup Vietnam: 7 yếu tố của một hệ thống bền vững

Nếu bạn đọc các bài blog của các guru như Paul Graham, Don Dodge hay các bài báo về thành công của các dotcom ở Mỹ, về kinh nghiệm khởi nghiệp người ta không nói nhiều đến một hệ thống tốt, vì ở Mỹ mọi thứ đã phân cấp rất chuyên nghiệp. Bạn chỉ cần có team tốt, một sản phẩm cực kỳ thu hút, sau đó chắc chắn sẽ tìm được nhân sự chuyên môn cho các khâu sau và tự động sẽ có rất nhiều cách để biến sản phẩm thành thương mại hóa. Điều này dễ dẫn đến lầm tưởng của rất nhiều startup ở VN (kể cả chúng tôi) là chỉ cần có một sản phẩm tốt là sẽ thành công.

Ở VN không dễ dàng như vậy, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, ngành mới nên chưa có nhiều nhân sự chuyên môn cao, chưa có công cụ thanh toán “chuẩn” …vì thế nghĩ đến một hệ thống tốt rất quan trọng khi chuẩn bị phát triển một sản phẩm online hay ứng dụng mobile mới nào đó, dù là là sản phẩm của startup hay công ty lớn. Người cha giàu trong “Rich Dad, Poor Dad” nói “Một hệ thống tốt mới là mấu chốt thành công chứ không phải một sản phẩm tốt” .Tôi bắt đầu đi tìm các yếu tố cốt lõi của một hệ thống như vậy.




1. Dream Team

Ngoài các khía cạnh tôi đã phân tích trong bài Dream Team, ở đây bổ sung thêm phần comment trên LinkHay của anh TanNg, TMT, và KingEric về bài trên.

TanNg: “Đọc bài này 1-2 lần thấy thiếu cái gì đó. Nghĩ đi nghĩ lại thấy nó nhiều kỹ năng, nhưng lại ko thấy passion và dream. Tạm bổ sung thêm 1 người là người dám mơ, người dám change, người dám take challenge.”

TMT: “Nhà quản trị dotcom có thể nói chính là CEO, người có tầm nhìn bao quát và định hướng đi cho Dream team, đồng thời cũng phải biết gắn kết các người tài giỏi lại để làm việc cùng nhau (@KingEric), người định hướng cũng chính là người dám mơ, dám challenge (@TanNg).”

Đồng thời Dream Team này cũng phải có khả năng tạo ra những cú Buzz chiến lược táo bạo để tạo thời thế và nâng tầm đẳng cấp như HAGL trong lĩnh vực bóng đá. HAGL từng mời Kiatisak về VN thi đấu, phát triển Học viện bóng đá HAGL – Arsernal, tài trợ SEAGames 2009 ở Lào… Và cũng không thể không nhắc đến Viettel với những bước tiến thần tốc cả trong và ngoài nước gần đây. Chỉ trong 5 năm họ làm được những điều mà Mobifone, Vinaphone trước đó vốn có rất nhiều lợi thế nhưng vẫn không thực hiện được.


2. Sản phẩm/Công nghệ chủ lực

Không thể phủ nhận sản phẩm luôn là trung tâm của dotcom. Trong bài “8 đặc điểm của một sản phẩm ‘hoàn hảo’” nhấn mạnh một sản phẩm tốt phải có một công nghệ lõi kiểu PageRank search của Google, đồng thời phải có một sự liên kết chặt chẽ các sản phẩm con trên một trục chính để tạo thành một hệ thống thống nhất. Việc tích hợp các sản phẩm lại giúp tạo ra một sức mạnh tổng lực thừa kế lẫn nhau, tập trung và dễ quản lý hơn, cũng như tốn ít chi phí phát triển và tiếp thị hơn.

Tích hợp các sản phẩm theo một trục xuyên suốt cũng là định hướng mà chiến lược “Go Mass” của FPT nhắm tới trong hành trình Vì công dân điện tử với việc liên kết không chỉ các sản phẩm con mà còn các công ty con như FPT Online, Visky, ngân hàng Tiên Phong, FPTS, F-Mobile...trên một chiếc mobile nhỏ bé.

VCCorp là một trường hợp ngoại lệ khi họ là chuyên gia thị trường ngách. VCCorp có rất nhiều sản phẩm với mục tiêu trở thành số 1 trong các lĩnh vực “béo bở” khác nhau. Và họ đã thành công khi hầu hết các sản phẩm đều đạt được vị trí số 1 hoặc ít nhất là số 2 như: Dân Trí, CafeF, Kenh14, Socvui, GameK, AutoPro,... Sau một hồi nghĩ mãi, tôi đoán sự liên kết chính giữa các sản phẩm của VCCorp là… công nghệ quảng cáo trực tuyến Admicro??! Giai đoạn này hầu hết các sản phẩm của VCCorp có nguồn thu chính đến từ quảng cáo. Xem “Hệ thống bán hàng của Admicro” tại đây.


3. Mô hình kinh doanh

Đây là điều khó có thể nói rõ ràng, và chả ai định nghĩa được, tôi lại càng không biết, chỉ có thể tự mô tả theo suy nghĩ chủ quan của tôi.

Đầu tiên một mô hình kinh doanh tốt sẽ học hỏi được các điểm mạnh của các “proven model” những nền văn hóa tương tự. Trong năm đầu tiên, VNG đã đem cả team 10 người sang TQ để học hỏi cách thức phát hành game. So sánh danh sách 30 công ty Internet hàng đầu TQ và danh sách 500 công ty lớn nhất TQ với 2 danh sách tương tự của VN đều thấy có sự giống nhau ở các top đầu là các lĩnh vực chung như game online, viễn thông, bất động sản, dầu khí, xây dựng… Trong khi nếu xem các danh sách tương tự của Mỹ, Nhật thì khác hẳn. Dấu ấn hơn 1000 năm chung sống với anh bạn láng giềng khổng lồ “núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông” dù tốt hay xấu cũng khó phai. Dĩ nhiên mô hình kinh doanh này cũng phải hợp với văn hóa của VN.

Kế đến mô hình kinh doanh tốt sẽ có các yếu tố trong quy trình “Đầu tư -> sản phẩm/dịch vụ -> phân phối -> doanh số -> lợi nhuận -> tái đầu tư” khá rõ ràng và có thể dự đoán được phần nào. Dĩ nhiên có những trường hợp không có gì rõ ràng từ đầu như mô hình search/quảng cáo của Google, nhưng đó là những đột phá hiếm hoi mà rất hiếm công ty nào làm được.

Sau đó, một mô hình kinh doanh mạnh ở VN giai đoạn sắp tới phải kết hợp hài hòa được sức mạnh và giảm thiểu được điểm yếu từng yếu tố trong hệ Internet – Mobile – Offline (IMO) để tạo thành một hệ thống liên kết bền vững. Với IMO tại VN, Internet tuy chưa chứng tỏ được khả năng thương mại hóa trên diện rộng nhưng vẫn là một kênh tương tác chính không thể bỏ qua, các ứng dụng trên mobile sẽ bùng nổ với hơn 70 triệu thuê bao, Offline là sợi dây quan trọng kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo.


4. Hệ thống phân phối/thanh toán

Hệ thống phân phối tốt giúp các công ty đến gần với khách hàng hơn cả về mặt vật lý và luận lý. Tầm quan trọng của hệ thống phân phối với thành công của hầu hết các công ty B2C là không thể phủ nhận. Thành công đột phá của của Dell từ một công ty nhỏ thành một tập đoàn ngang hàng những đại gia như HP, Compaq, IBM… từng đến từ việc đổi mới mô hình phân phối truyền thống thành phân phối trực tiếp “Direct Dell”.

Trên Internet thì mô hình affliate về bản chất là một cách thức mở rộng hệ thống phân phối online. Những site nào chứa các đường link bán sách, ảnh, banner quảng cáo… dẫn đến site mẹ sẽ được chia hoa hồng khi có transaction/pagview xảy ra. Adsense là một thành công đỉnh cao của mô hình này khi vô số blogger trên thế giới sử dụng để kiếm tiền. Google Site Search, Custom Search nhìn từ góc độ kinh doanh cũng là các hình thức khác nhau của Google để tăng cường số lượng đại lý phân phối “sản phẩm search” của họ.

Bên TQ, thử xem David Wei, CEO Alibaba.com nói gì “I don’t believe it is possible to go into India with a 100 per cent online platform today”. David nói trong ngữ cảnh Ấn Độ là một nước có “Internet penetration” thấp, và offline operation approach cũng là một chiến thuật quan trọng của Alibaba tại TQ. Ngoài những điểm tương tự TQ, đặc biệt khi mà ở VN tư duy “vật thể” vẫn phổ biến hơn tư duy “phi vật thể” thì hệ thống phân phối offline tạo ra một cảm giác trực quan và “vật thể” hơn cho người dùng, giúp người dùng dễ quyết định hơn khi phải bỏ tiền ra mua một sản phẩm ảo.

Trong các trường hợp trên, hệ thống phân phối dùng để bán hàng, còn ở TQ & VN hệ thống phân phối có thể kiêm nhiệm luôn vai trò kênh thanh toán. Hãy xem các cty trong lĩnh vực viễn thông như Mobifone, Viettel…không phải ngẫu nhiên mà họ có thể thu về được doanh thu hàng chục ngàn tỉ. Có vô số các cửa hàng điện thoại sẵn sàng bán card điện thoại cho người dùng suốt ngày đêm ở khắp mọi nơi. Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn của VNG là hệ thống đại lý bán thẻ game là 15.000 tiệm net nơi 90% game thủ chơi. Không thể tưởng tượng được cách đây mấy năm VNG thu tiền bằng cách nào nếu không có hệ thống phân phối offline này. Nếu thu tiền qua SMS thì hơn 50% lợi nhuận của VNG sẽ rơi vào các mạng di động. Với BKAV, một nhà quản lý của đơn vị này từng nói thành công của BKAV đến hệ thống phân phối mạnh của họ (333 đại lý) chứ không chỉ là sản phẩm.

Hệ thống phân phối online hay offline tốt cũng là một rào cản “entry barrier” đối với các đối thủ cạnh tranh muốn gia nhập thị trường.


5. Quản lý quan hệ khách hàng (CRM)



CRM là một vấn đề cực kì quan trọng với hầu hết các công ty bán lẻ. Hệ thống CRM của Walmart hẳn là cực kì phức tạp. Mua hàng ở Metro luôn phải dùng thẻ. Ngay cả siêu thị của VN như Coopmart cũng rất quan tâm đến CRM. Trên Internet dù thu tiền từ user hay từ công ty thì vẫn phải thu hút user tương tự bán lẻ nên không thể bỏ qua CRM.

Một hệ thống CRM tốt giúp hiểu rõ khách hàng hơn, nắm rõ các thông tin cá nhân – nhân khẩu học và thói quen sử dụng sản phẩm của họ, biết được họ quan tâm hay không quan tâm gì. Đồng thời hệ thống CRM sẽ tiếp nhận những phản hồi của khách hàng và xử lý các vấn đề phát sinh. CRM cũng giúp xây dựng và bảo vệ lòng trung thành của người dùng với sản phẩm. CRM cũng giúp việc cá nhân hóa sản phẩm dễ dàng hơn.

Hệ thống CRM hiệu quả giúp bán hàng nhiều hơn, tiếp thị tốt hơn, và giảm thiểu tối đa chi phí tiếp thị do tận dụng tiếp thị truyền miệng từ những khách hàng trung thành cũng như giảm chi phí cải tiến sản phẩm hoặc chi phí phát triển tính năng mới/sản phẩm mới hoặc do biết được nhu cầu nào người dùng thật sự quan tâm.

Một yếu tố quan trọng trong CRM là Customer Support Service (CSS). Tương tự như hệ thống phân phối, CSS ở VN không thể bỏ qua các thành tố offline như call center (trả lời qua điện thoại) hay người hỗ trợ trực tiếp. Ngay cả Google còn phân phối không thành công Nexus One khi phát hành lần đầu một phần do hệ thống CSS không có hotline. Rất nhiều khách hàng mua điện thoại Nexus không thể chờ đợi trả lời thắc mắc trong vòng 1 ngày qua … email, họ muốn câu trả lời tức thời. Dĩ nhiên sau đó họ sẽ không recommend cho bạn bè mua tiếp. CSS tốt còn giúp giảm thiểu tối đa các khủng hoảng thương hiệu do công ty biết và giải quyết các phàn nàn của người dùng nhanh chóng trước khi họ tự lan truyền ra.

Có những hình thức CRM đơn giản như newsletter, lưu lại hành vi của user chi phí thấp, dễ thực hiện mà không kém phần hiệu quả. Chẳng hạn ban đầu việc sử dụng Google Search không liên quan đến account. Sau đó Google nhốt hết user vào account dùng chung cho mọi sản phẩm của họ và tận dụng tối đa các thông tin user behavior để tiếp tục cải tiến search engine vốn đã quá tốt. Một ví dụ khác là phần mềm quản lý phòng máy miễn phí CSM của VNG vốn được hầu hết các tiệm nét sử dụng là một phần của CRM. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của VNG so với các công ty game online khác.

Trên thế giới cũng như ở VN, chỉ riêng phần mềm CRM là cả một lĩnh vực hấp dẫn. Salesforce.com, công ty hàng đầu trong lĩnh vực này có giá trị 8,24 tỉ USD.


6. Thương hiệu

Thương hiệu tốt giúp công ty giữ chân khách hàng cũ, dễ thu hút khách hàng mới và lôi cuốn sự ủng hộ của nhiều đối tượng quan trọng khác như developer, nhân viên, đối tác, cổ đông, nhà nước… Thương hiệu mạnh còn giúp công ty giảm chi phí quảng bá mỗi khi muốn mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực mới.

Khác với các công ty truyền thống thường dùng quảng cáo marketing để xây dựng thương hiệu, người dùng cảm nhận hình ảnh thương hiệu các công ty công nghệ từ bản chất và hoạt động của công ty đó hơn là từ các thông điệp quảng cáo. Nghĩ đến Microsoft là nghĩ đến một công ty giàu có, thương mại và hầu như muốn dùng sản phẩm nào cũng phải bỏ tiền mua. Trong khi nghĩ đến Google là nghĩ đến một công ty công nghệ lớn, sáng tạo, thân thiện, hữu ích cho mọi người và cộng đồng. Apple lại tạo ra một hình ảnh sáng tạo và khác biệt, công nghệ cao, sành điệu.

Với sản phẩm, dù có rất nhiều hình thức quảng cáo tiếp thị, nhưng trong lĩnh vực công nghệ thì kênh tiếp thị quan trọng nhất đồng thời tốn ít chi phí nhất vẫn là “word of mouth” – truyền miệng. Có khá nhiều công ty VN bỏ tiền tiếp thị rất hoành tráng nhưng không thu được kết quả như mong đợi, vì sản phẩm được tiếp thị không có giá trị tốt.

Phương thức truyền miệng hoạt động khi sản phẩm thực sự tạo ra giá trị hữu ích cho người dùng từ đó hình thành một cộng đồng những người dùng trung thành với sản phẩm. Dĩ nhiên phải có CRM tốt mới tận dụng được những người dùng trung thành. Chính cộng đồng ban đầu này sẽ là “hạt nhân” để lan truyền giới thiệu sản phẩm rộng và nhanh theo kiểu “vết dầu loang”. Tùy vào chiến lược tiếp thị và một số yếu tố tự nhiên lúc đầu mà “hạt nhân” này có thể là giới sinh viên trường top (Harvard -> Ivy League -> các trường ĐH khác) như trường hợp Facebook, cộng đồng developer như Google, Firefox. Sau này mỗi lần ra sản phẩm mới Google, Firefox tiếp tục dùng lại chiến thuật “developer seeding” này.

Gần đây các công ty VN bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu hơn: FPT bổ nhiệm Lê Trung Thành – một chuyên gia marketing hàng đầu làm PTGĐ Thương hiệu, VinaGame đổi tên thành VNG để tránh chữ Game và tiến vào một thị trường “mass” thay vì chỉ tập trung vào giới teen.


7. Mô hình tổ chức


Mô hình tổ chức sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo - innovation, tốc độ phát triển và thậm chí cả hình ảnh thương hiệu của tổ chức đó. Công ty hiện có mô hình tổ chức được xem là tốt nhất hiện nay là Google.

Mô hình nhóm dự án 5-7 người và 80-20 của Google giúp giải quyết 2 vấn đề lớn thường gặp của tập đoàn lớn là tốc độ phát triển chậm lại vì bộ máy cồng kềnh, và vấn đề corporate hóa/entrepreneur hóa. Chắc là Google mô phỏng lại mô hình trường ĐH (Stanford), nơi sinh viên làm việc theo nhiều group nhỏ, và mỗi group thực hiện luận văn là một đề tài (sản phẩm) khác nhau. Văn hóa của Stanford cũng chú trọng vào Innovation.

Về corporate hóa/entrepreneur hóa, khi một công ty startup phát triển từ nhỏ thành to, nó bắt đầu phải thu hút nhân sự từ các tập đoàn lớn đã có sẵn để giải quyết vấn đề kinh nghiệm quản lý. Đó là vấn đề của công ty. Còn với nhân sự kinh nghiệm trong công ty lớn, vấn đề của họ là muốn tách ra đi tìm con đường riêng của mình. Mô hình 80-20 giúp nhân viên ở lại công ty nhưng vẫn có thể phát huy tính sáng tạo theo cách của mình.

Ngay cả nhân sự thông thường cũng có thể chia thành 2 loại người, entrepreneur và corporater. Entrepreneur thường có óc sáng tạo cao, mạnh ở giai đoạn nắm bắt cơ hội, khởi đầu, phát triển đi lên nhưng sẽ không dễ dàng làm việc khi quy mô trở nên khá lớn. Ở VN có vẻ môi trường xã hội không khuyến khích hay tạo điều kiện cho entrepreneur cho lắm. Corporater có thế mạnh quản lý một hệ thống lớn trên diện rộng, nhưng sẽ gặp khó khăn khi làm việc trong một điều kiện thiếu thốn nguồn lực như startup. Cũng có những người có năng khiếu cả hai và có thể thích nghi theo điều kiện môi trường. Công ty nào có thể tận dụng khả năng của cả hai loại người này sẽ giải quyết được 2 vấn đề đã nói ở trên: sáng tạo và tốc độ phát triển.

Tôi nhớ Rupert Murdoch – ông chủ tập đoàn truyền thông News Corp sở hữu MySpace, Avatar… có nói “"The world is changing very fast. Big will not beat small anymore. It will be the fast beating the slow."” Chắc cũng nên lắng nghe Murdoch chút ít nhỉ?!

***
Bài kỳ trước: Startup Vietnam8 đặc điểm của một sản phẩm “hoàn hảo”.
Bài kế tiếp: ???

Tuesday, February 02, 2010

Startup Vietnam: 8 đặc điểm của một sản phẩm “hoàn hảo” – phần 2

Phần 1

"keep speed in mind"

5. Tương tác cao

Một trong những đặc trưng không thể bỏ qua của Internet là tương tác. Nhất là trong thời buổi ai cũng bận rộn thiếu thời gian để tương tác offline thì mọi người càng dành nhiều thời gian cho tương tác online. Đồng thời một website càng có tính tương tác cao thì càng sống động và không cần phải tốn nhiều chi phí cho việc tiếp thị, tự người dùng sẽ trao đổi, giới thiệu lẫn nhau về website đó. Tính tương tác có thể xét trên các phương diện tương tác giữa người dùng với nhau, giữa người dùng với sản phẩm, và cao cấp hơn nữa là giữa developer với sản phẩm.

Một trong những thể loại sản phẩm có tính tương tác cao giữa người dùng với nhau là mạng xã hội mà cụ thể là Facebook. Trước đây ở VN Yahoo 360 đã từng “vang bóng một thời” khi đâu đâu cũng bàn tán về blog này, blog nọ. Thậm chí những hot blogger còn nhanh chóng trở thành “ngôi sao” nổi tiếng không kém gì các ca sĩ, diễn viên thời thượng. Đóng góp lớn vào thành công của Y360 là friendlist và comment/quick comment. Blogspot, Wordpress, Multiply… là những bloging platform rất tốt nhưng là mô hình conten-centric không chú trọng vào relationship – tính tương tác giữa các blogger nên không phổ biến ở VN như các mạng có đặc điểm này.

Tuy nhiên không nhất thiết cứ phải là mạng xã hội thì sản phẩm mới có tính tương tác cao. Tương tác cao giữa người dùng và sản phẩm có thể kể đến Digg.com hay linkhay.com. Một dạng tương tác giữa người dùng tạo ra nội dung của sản phẩm nữa là các thể loại wiki mà Wikipedia là người tiên phong. Google mới tung ra một sản phẩm theo kiểu này là Google Sidewiki (Chrome extension) cho phép comment vào bất cứ trang web nào. Ở VN sản phẩm theo trường phái này Baamboo Tra từ. Một dạng khác nữa cũng thuộc mục này là tương tác giữa sản phẩm và nội dung của người dùng, đó là Adsense.

Tính tương tác cao giữa sản phẩm với với developer, đại ý là developer có thể tham gia sử dụng lại sản phẩm cha (kết nối qua API) hay đóng góp tạo ra những sản phẩm con (apps) kí sinh trên sản phẩm cha, hay thậm chí viết lại mã nguồn. Đại diện của trường phái này tiêu biểu là Facebook, Google, hay OS là Linux, browser là Firefox, ở mobile là Android. Linux là sản phẩm gặt hái thành công đầu tiên. Facebook mở rộng khái niệm “open source” của Linux thành “open platform”. Google, Yahoo học Facebook tạo ra OpenSocial, BOSS nhưng hiệu quả chưa thấy rõ. Các dòng sản phẩm của Google càng về sau càng đi theo xu hướng platform như Web OS, Chrome, Android. Tuy nhiên phát triển sản phẩm theo hướng này không dễ, phải có cả điều kiện cần và đủ là hàm lượng chất xám về công nghệ rất cao và cộng đồng developer có thói quen phát triển phần mềm tự do. VN có Zing Me đi tiên phong trong thể loại này.

Người dùng hay developer, ai cũng muốn tham gia góp tiếng nói vào sản phẩm, vậy đừng quên sự có mặt của họ.


6. Nội dung là của người khác và có tính tự động hóa cao

Mục này có đôi chút trùng lặp với mục 5 – tương tác cao. Vì thông thường sản phẩm tương tác cao sẽ có xu hướng tạo ra nội dung. Khi người dùng tương tác cao với nhau hoặc với sản phẩm họ tạo ra user-created-content. Khi developer tương tác cao với sản phẩm, họ góp phần tạo ra sản phẩm giúp sản phẩm ngày càng được mở rộng với tốc độ và chất lượng mà không tự thân công ty hay team tạo ra sản phẩm nào có thể nào tự mình phát triển được. Những sản phẩm tiêu biểu là Wikipedia, Digg, Facebook, Napster.

Ở khía cạnh nội dung, trên thế giới có hai site nổi tiếng có cách thức ngược nhau là Amazon và Ebay. Nội dung của Ebay là hàng hóa mua bán qua lại của người dùng nên họ không phải lo phần này. Nội dung của Amazon là hàng hóa có thật sách vở, băng đĩa…, nên ban đầu họ phải tự mua, hoặc hợp tác để mua hàng từ đối tác khác nên phải huy động một lượng vốn rất lớn từ ban đầu. Hầu hết các công ty không thể làm như Amazon. VN có Vinabook theo mô hình Amazon. Một dòng sản phẩm nữa phát huy tiêu chí nội dung của người khác là peer to peer (Kazaa, eDonkey) – không hiểu tại sao ở VN không thấy ai làm sản phẩm loại này?

Ở khía cạnh tự động hóa có thể nhắc đến VnExpress. Ban đầu nội dung của VnExpress là copy từ các báo khác. Sau này tính thu hút của nội dung VnExpress là do chính đội ngũ phóng viên của họ tạo ra. Như vậy VnExpress sẽ không được điểm cao trong tiêu chí này do họ phải tự tạo ra nội dung. Với startup và những công ty nhỏ sẽ không thể nào học theo cách của VnExpress, vốn có FPT to đùng hỗ trợ đằng sau từ ban đầu. Một sản phẩm tin tức khác tận dụng ưu thế tiêu chí này là baomoi.com vốn không cần một đội ngũ hùng hậu như VnExpress vẫn có thể tạo ra một lượng nội dung khổng lồ không kém. Điểm yếu của sản phẩm tự động hóa cao là thiếu tính sống động thu hút của sản phẩm có sự can thiệp cao của con người.

Ngoài ra một yếu tố quan trọng của nội dung là đừng chiếm quá nhiều tài nguyên đường truyền và server như video, mp3, ảnh… Chỉ khi bạn có sự hỗ trợ của các đại gia túi rủng rỉnh tiền thì yếu tố này mới bớt quan trọng.

Một cái chết nổi tiếng từ dòng sản phẩm đi ngược tiêu chí 6 này hoàn toàn là từ điển lừng danh một thời Encarta Encylopedia của Microsoft.


7. Tốc độ

Có 3 loại tốc độ quan trọng là tốc độ tải trang/xử lý yêu cầu, kế đến là tốc độ cập nhật nội dung, và cuối cùng là tốc độ phản hồi người dùng.

Tốc độ tải trang và tốc độ xử lý yêu cầu thường phụ thuộc vào chất lượng công nghệ hoặc thiết kế giao diện của sản phẩm. Sản phẩm càng có nhiều người dùng thì càng phải lưu ý yếu tố này. Google đặc biệt quan tâm đến yếu tố này hơn hẳn các đại gia khác như Microsoft, Yahoo, Facebook. Tốc độ loại này đã khiến Clip.vn rơi vào thế yếu so với Youtube sau khi Youtube có server đặt tại VN. Đôi khi tốc độ xử lý yêu cầu thậm chí phụ thuộc các yếu tố bên ngoài sản phẩm/team như logistic, thuế quan địa phương, thời tiết… như trong trường hợp Amazon. Ở VN khi đặt hàng qua eBay Vietnam hình như mất khoảng 2 tuần.

Tốc độ cập nhật nội dung có khi phụ thuộc vào công nghệ sản phẩm (các loại search engine), hoặc phụ thuộc vào hành vi/tần suất sử dụng của người dùng. Với một thế giới ngày càng đòi hỏi kết quả phải nhanh hơn, thật hơn thì tốc độ của nội dung cực kỳ quan trọng. Ngay cả Google và Bing cũng không thể cung cấp kết quả search “realtime” mà phải cậy nhờ vào nội dung thời gian thực của Facebook và Twitter. Một yếu tố góp phần tạo ra sự thu hút của Tuổi Trẻ Online so với các báo điện tử khác là do tốc độ cập nhật tin của site này rất nhanh.

Cuối cùng một yếu tố tốc độ không thực sự nằm trong sản phẩm nhưng rất quan trọng là tốc độ phản hồi người dùng hay tốc độ duyệt nội dung của đội ngũ admin/mod. Có lần bạn tôi email nhờ Facebook hỗ trợ giải quyết một vấn đề liên quan fanpage, thật không ngờ chỉ trong vòng chưa đến 24h sau họ đã xử lý và trả lời nhanh chóng khiến bạn tôi rất ngạc nhiên và cảm kích. Điều này không hề đơn giản với một site có hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Hãy xem Google nói gì? "We keep speed in mind with each new product we release."


8. Cá nhân hóa

Cá nhân hóa là mức độ đáp ứng của sản phẩm đối với các yếu tố thuộc về thói quen sở thích và các thông tin cá nhân của từng người dùng cụ thể, thay vì phản ứng “trước sau như một” với hàng ngàn người dùng khác nhau. Đây là một hành vi mô phỏng lại thế giới thực trong quan hệ giữa người với người. Nếu hai người có mối quan hệ càng gần gũi và thân thiết thì càng hiểu rõ thói quen sở thích và thông tin cá nhân của nhau nhiều hơn.

Đây là một yếu tố hiện tại chưa quá quan trọng ở VN, nhưng càng ngày yếu tố này càng trở nên quan trọng hơn. Với ứng dụng mobile thì đây là một tiêu chí có tầm quan trọng hơn so với mức độ quan trọng của nó trên sản phẩm web, bởi vì một điện thoại di động chỉ dùng bởi một người, trong khi một máy tính có thể được dùng bởi nhiều người khác nhau. Các mối quan hệ 1-1 thường đòi hỏi tính cá nhân nhiều hơn các mối quan hệ 1-n.

Facebook đang rất quan tâm tới yếu tố này khi họ mới thay đổi các tính năng và privacy policy. Yếu tố cá nhân hóa cũng là một đặc tính rất quan trọng để họ thiết kế hệ thống quảng cáo hướng người dùng và thu hút các khách hàng quảng cáo. Mức độ cá nhân hóa cao cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Adsense và Adwords. Tuy nhiên không phải sản phẩm mang tính cá nhân hóa nào cũng thu hút sự chú ý. iGoogle cũng không được ưa chuộng lắm thì phải?

Hiện tại hầu hết các sản phẩm web 2.0 ở VN chưa có tính cá nhân hóa, hoặc nếu có thì chưa có nhiều tính năng cá nhân hóa được ưa chuộng. Có vẻ chỉ các site âm nhạc có nhiều yếu tố này? Khi mức độ quan tâm đến cá nhân hóa của người dùng càng cao thì các site có khả năng tự động hóa cao như baomoi.com càng phát triển, và các site dạng forum càng gặp khó khăn hơn do tiêu chí 3 - tổ chức dữ liệu không tốt.

Thời hoàng kim Yahoo! 360 có vài tính năng cá nhân hóa rất được ưa chuộng ở VN là avatar, status, background theme.


***

Vì một sản phẩm “hoàn hảo” thường không có thật, nên một sản phẩm đạt 6 tiêu chí là siêu lắm rồi. Nếu đặt Google vào thì cũng chỉ đạt 7 điểm, tiêu chí thứ 5 “Tương tác cao” Google không “đạt chuẩn”. Facebook chắc được 7.5 điểm, trừ 0.5đ do khó sử dụng.

Trong 8 tiêu chí trên thì các tiêu chí 1 – lĩnh vực, 2 – nhu cầu là quan trọng nhất, nếu sai là “lên đường” luôn. 3 – tổ chức dữ liệu, 5 – tương tác, 6 – nội dung là rất quan trọng phải lưu ý từ đầu. Còn các yếu tố 4 – giao diện, 7 – tốc độ, 8 – cá nhân hóa nếu kém sau đó vẫn có thể điều chỉnh lại được.

Tuy nhiên một sản phẩm tốt chưa đủ để tạo nên thành công, ta phải xây dựng một hệ thống tốt xoay quanh sản phẩm để thành công. Vì thế bài kỳ tới sẽ là “Internet startup: 7 dấu hiệu của một hệ thống lý tưởng”.

http://www.facebook.com/note.php?note_id=279865104226

Bài kỳ trước: “Internet startup: 8 đặc điểm của một sản phẩm hoàn hảo – phần 1

sleepingfool@gmail.com